|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chàng trai từ chối 4,5 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam để giữ chữ tín với nhà đầu tư cũ

08:44 | 31/12/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sẵn sàng đầu tư 4,5 tỷ đồng cho công ty Chopp, nhưng người sáng lập từ chối vì muốn giữ chữ tín với nhà đầu tư cũ.
 

Nguyễn Minh Trường - người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Chopp - cùng bạn đồng hành Nguyễn Thảo Lê Duyên - giám đốc vận hành Chopp - kêu gọi nhà đầu tư số vốn 4,5 tỷ đồng cho 4% cổ phần công ty, trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” lên sóng ngày 30/12.

Chopp là dịch vụ mua sắm giùm và giao hàng tận nơi, mang đến cho khách hàng sự tiện lợi thông qua nền tảng công nghệ hiện đại.

Theo Minh Trường, khách hàng đặt sản phẩm trực tiếp qua ứng dụng điện thoại, website của Chopp. Sau khi nhận đơn, nhân viên Chopp tại các cửa hàng sẽ chọn lựa sản phẩm và đưa cho nhân viên giao hàng để gửi tới tay người tiêu dùng.

“Với nền tảng công nghệ, Chopp đảm bảo giao hàng tận nơi trong một tiếng đồng hồ sau khi nhận đơn đặt hàng”, Lê Duyên cam kết.

chang trai tu choi 45 ty dong trong shark tank viet nam de giu chu tin voi nha dau tu cu
Nguyễn Minh Trường (Sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Chopp) cùng Nguyễn Thảo Lê Duyên (Giám đốc vận hành Chopp) kêu gọi nhà đầu tư 4,5 tỷ đồng cho 4% cổ phần. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Cùng đối tác là hệ thống nhiều cửa hàng, siêu thị, Chopp cung cấp sản phẩm tới khách hàng có mức giá bằng, thậm chí thấp hơn giá thị trường. Đồng thời, khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn sản phẩm hơn so với khi chỉ đi một cửa hàng hay siêu thị.

Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất khi khách hàng sử dụng Chopp là mua hàng, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm. “Ví dụ vợ nhà đầu tư muốn mua chuối, nhưng thích ăn chuối chín vừa, không thích chuối chín quá hay chưa chín, nhân viên Chopp sẽ để ý đến từng tiểu tiết yêu cầu khách hàng để lựa chọn chính xác sản phẩm trong thời gian tối ưu nhất”, Lê Duyên nhấn mạnh.

Minh Trường cho biết, Chopp có hai nguồn thu chính, bao gồm phí dịch vụ từ khách hàng, chiết khấu từ cửa hàng, siêu thị. Phí dịch vụ khách hàng 20.000 đồng một cửa hàng (gồm phí mua hàng và giao hàng miễn phí), chiết khấu cửa hàng trung bình 10 - 25%.

Doanh thu của Chopp năm 2016 là 275 triệu đồng. Hết tháng 11/2017, doanh thu tăng lên đến 788 triệu đồng.

Sau khi nhận được câu hỏi về rủi ro kinh doanh từ ông Nguyễn Ngọc Thủy, Minh Trường cho rằng vấn đề trở ngại của mô hình này là yếu tố con người. Bởi khi đơn hàng tăng đột xuất, Chopp cần rất nhiều người để đáp ứng kịp thời mà không ảnh hưởng tới cam kết kinh doanh (giao hàng trong một tiếng đồng hồ).

“Hiện tại, Chopp đưa ra giải pháp giới hạn 5 đơn hàng một giờ, một ngày tối đa 50 đơn hàng, tận dụng tối đa nguồn lực sinh viên làm thêm”, Minh Trường nói.

Ông Phạm Thanh Hưng nhận định, xu hướng mua hàng hiện đại ở Việt Nam còn thấp. Do đó, đối thủ lớn nhất của Chopp không phải các công ty công nghệ, mà là những quán bán hàng rong, chợ đường phố. Ngoài ra, bộ máy nhân sự của Chopp còn là vấn đề nan giải. Ông Hưng quyết định không đầu tư.

Cho rằng Chopp khó tăng trưởng, mở rộng quy mô doanh số bởi cần nhiều nhân sự khi đơn hàng tăng, hai doanh nhân Nguyễn Xuân Phú, Thái Văn Linh không góp vốn.

“Phụ nữ thu nhập trung bình sẽ không bỏ ra 2 triệu đồng một tháng cho phí dịch vụ Chopp. Tôi nghĩ đối tượng khách hàng sẽ khó tăng. Quyết định của tôi là không đầu tư”, ông Trần Anh Vương nói.

Nhận thấy Chopp có thể tăng trưởng tốt mặc dù cần định giá lại công ty, ông Nguyễn Ngọc Thủy đề nghị 4,5 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty.

Trước con số ông Thủy đưa ra, Minh Trường yêu cầu 4,6 tỷ cho 10% cổ phần, do nhà đầu tư trước đã định giá công ty khoảng 2 triệu USD.

Tuy nhiên, “mỗi nhà đầu tư có một cách định giá riêng, tôi không đi theo quan điểm của nhà đầu tư trước”, ông Thủy lập luận.

Bên cạnh đó, ông Thủy đưa ra một số lợi thế sẽ giúp ích cho Chopp: Ông sở hữu hệ sinh thái hàng triệu người dùng online là tập khách hàng tiềm năng, đầu tư nhiều dự án công nghệ.

“Tôi thích tinh thần khởi nghiệp của Minh Trường, một người dám bỏ công việc ngàn USD ở Mỹ để làm một việc mà tiền chỉ đủ ăn cơm bình dân. Nếu có thể, tôi muốn trở thành một phần của công ty các bạn”, ông Thủy chia sẻ.

Mặc dù vậy, Minh Trường từ chối.

“Các nhà đầu tư cũ đã định giá công ty, chúng tôi phải có trách nhiệm với nhà đầu tư để họ tiếp tục đồng hành cùng Chopp”, anh giải thích.

Sau khi chia tay Minh Trường, Lê Duyên, ông Thủy chia sẻ cùng các nhà đầu tư về lý do ông đề nghị đầu tư. Ông cho biết, ở nước ngoài, mô hình giống Chopp được định giá nhiều tỷ USD. Chủ tịch Egroup từng tham gia sáng lập và thoái vốn một dự án tương tự. Bởi vậy, ông có cách để giải quyết rủi ro mặt nhân sự. Theo ông, vấn đề quan trọng là xây dựng được các nhãn hàng riêng.

Bùi Mến