Chàng trai hiếu thảo nhận 3 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam hôm 17/2, Trần Đại, giám đốc điều hành công ty Khu vườn của mẹ, muốn huy động 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần công ty.
Khu vườn của mẹ sản xuất các sản phẩm từ cỏ lúa mỳ. Đội ngũ nhân sự rất gọn - chỉ gồm Đại, mẹ và em gái của anh.
“Em thực hiện dự án kinh doanh để tạo ra những sản phẩm bảo vệ sức khỏe của mẹ, và cũng để tạo ra niềm tự hào cho mẹ”, Đại giải thích về tên công ty.
Các nhà đầu tư trong tập 17 của Shark Tank Việt Nam cảm động vì lòng hiếu thảo của Trần Đại, người sáng lập dự án sản xuất thực phẩm từ cỏ lúa mỳ. Ảnh: VTV3 |
Ý tưởng kinh doanh lóe lên trong tâm trí Đại trong một lần cậu tới bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh vào năm 2014. Tại đây, Đại thấy rất nhiều người mắc những bệnh mãn tính không lây như gout, tiểu đường, ung thư. Trong quá trình tìm hiểu, Đại thấy cỏ lúa mì là loại nguyên liệu rất có lợi cho sức khỏe và nhiều người trên thế giới đã sử dụng nên quyết định chế biến các sản phẩm từ lá non của nó.
Chocolate đóng vai trò là vật mang chất diệp lục vào cơ thể, còn sữa thực vật có tác dụng thanh lọc cơ thể.
“Hàm lượng bột lúa mạch trong một viên chocolate là 2 gram, tương đương với 20 gram lá tươi và trung bình một ngày một người uống hai đến ba gram để thanh lọc cơ thế” Đại tiết lộ.
Hiện tại, Khu vườn của mẹ sản xuất chocolate, sữa thực vật từ cỏ lúa mỳ. Công ty đã hoàn thành quá trình thử nghiệm, đã đem sản phẩm tới một số triển lãm và bán được khoảng 100 thanh chocolate.
“Vì công ty thiếu nguyên liệu nên chúng tôi chưa thể bán nhiều sản phẩm”, Đại giải thích.
Giá bột cỏ lúa mỳ từ Mỹ, Nhật Bản có giá từ 2 tới 3 triệu đồng mỗi kg. Nếu công ty có thể nhập hạt giống để trồng cỏ lúa mỳ trong nước rồi tự sản xuất bột, chi phí ở mức tối ưu nhất chỉ còn 400.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu.
Quy trình sản xuất khá đơn giản. Sau khi thu hoạch cỏ lúa mỳ, công ty chỉ nghiền cỏ thành bột để chế biến sản phẩm.
“Em muốn gọi vốn để nhập khẩu hạt giống, vì nếu nhập khẩu cỏ lúa mỳ từ nước ngoài thì chi phí sẽ rất lớn”, chàng trai từ Hậu Giang nói.
Ông Trần Anh Vương bình luận rằng Khu vườn của mẹ mới chỉ là một dự án, chứ chưa phải là một công ty vì chưa có các chỉ số tài chính.
“Song ước mơ, tình cảm của em đối với người mẹ là điều trân quý. Cá nhân anh giờ không còn mẹ để mơ ước như thế. Anh sẽ không đầu tư, nhưng có thể hợp tác với em”, ông Vương chia sẻ. Theo ông, chuỗi khách sạn của ông có thể tiêu thụ sản phẩm của Đại, đồng thời hỗ trợ quỹ đất để anh trồng nguyên liệu.
Bà Thái Văn Linh thấy động lực to lớn của Đại và muốn ủng hộ dự án, nhưng vì Đại chưa có đội ngũ tiếp thị, bán hàng và chưa tung sản phẩm ra thị trường nên bà đề nghị doanh nhân Lê Đăng Khoa và Phạm Thanh Hưng đầu tư 3 tỷ để lấy 45% cổ phần.
Lê Đăng Khoa tâm sự rằng anh cũng muốn xây dựng các thương hiệu nông nghiệp của Việt Nam nên anh đồng ý. Cảm động vì câu chuyện của Đại, ông Hưng cũng chấp nhận đề nghị của bà Linh. Nhưng ông muốn đầu tư theo giai đoạn, bởi dự án cần trải qua giai đoạn sản xuất nhỏ.
“Nếu dành tất cả 3 tỷ đồng cho nhà máy như em mong đợi thì hơi rủi ro, vì em chưa có thị trường. Ngoài ra, em còn phải trình bày phương án sử dụng một tỷ đồng đầu tiên. Em sẽ làm gì? Kết quả thế nào? Nếu em đạt kết quả em đề ra, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp”, ông Hưng phát biểu.
Chỉ khoảng vài giây sau khi ông Hưng dứt lời, Đại nói: “Em chấp nhận”.