[Chân dung doanh nghiệp] Khi 'ông lớn' dầu khí một thời PVD 'ngấm đòn'
Ảnh minh họa.
“Đại gia” ngành dầu khí ngấm cảnh lỗ triền miên
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PV Drilling - mã PVD) thành lập vào tháng 11/2001, tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển PTSC Offshore.
Nhắc đến PVD là nhắc đến một trong những doanh nghiệp “độc quyền” trong ngành khai thác dầu khí tại Việt Nam khi luôn luôn nắm giữ thị phần chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan dầu khí.
Tuy nhiên, PVD hiện tại đang đối diện với một bức tranh “xám xịt” nhất trong lịch sử hoạt động của mình.
Từ khi niêm yết năm 2003 đến giai đoạn 2014, PVD liên tục tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Đỉnh điểm là năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt được những con số ấn tượng, cao nhất trong lịch sử: 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ 2015, giá dầu giảm kéo theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dần đi xuống. Thảm nhất là giai đoạn gần đây. PVD đã lỗ liên tiếp từ quý IV/2016 đến quý II/2017. 6 tháng 2017, PVD lỗ hơn 273 tỷ.
Những con số bi quan này nằm trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành. Cùng với một số cổ phiếu ngành dầu khí khác, thị giá PVD thật sự đang nằm trong vùng đáy.
Làm sao để bớt lỗ?
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, HĐQT PVD cũng đã đệ trình kế hoạch doanh thu 2.300 tỷ và ... không bị lỗ năm nay.
Tuy nhiên nhìn vào tình hình hiện tại, không có nhiều yếu tố hỗ trợ cho PVD.
Thông tin tích cực nhất gần đây của PVD là việc PVD ký hợp đồng cho thuê giàn khoan PV Drilling VI với Rosneft, tổng giá trị 42 triệu USD. Mặc dù đây không phải là hợp đồng quá lớn so với trước đây, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, đây vẫn là một thông tin tích cực cho tình hình kinh doanh của PVD. Tuy nhiên điều này cũng chỉ kéo được thị giá cổ phiếu PVD trong vài phiên.
Hiện cổ phiếu PVD được mua bán trong khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu, đã sụt giảm quá nhiều so với thời hoàng kim hơn 99.000 đồng/cổ phiếu năm 2007 và 2014.
Năm 2016, giàn khoan PVD V là giàn đóng góp nhiều lợi nhuận nhất cho công ty khi giá thuê giàn nước sâu thường cao gấp 3-4 lần so với giàn khoan loại khác. Tuy nhiên giàn khoan này đã bị tháo dỡ, không còn hoạt động trong năm 2017. BVSC ước tính giàn khoan PVD V mang lại khoảng 250 tỷ đồng lợi nhuận năm 2016, như vậy năm nay, PVD sẽ mất hẳn khoản lợi nhuận này.
Nguồn: BVSC
PVD đặt kế hoạch số giàn khoan trung bình hoạt động trong 2017 khoảng 2,5 giàn, trong đó chủ yếu là các giàn tự nâng. Như trong quý II năm nay, quý này công ty không có giàn khoan thuê hoạt động, lỗ ít hơn quý I chủ yếu do hiệu suất sử dụng giàn tự nâng đã tăng hơn 33%. Tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn khi nguồn cung giàn khoan tại Đông Nam Á vẫn vượt cầu, và khoảng cách cung cầu vẫn còn tiếp tục được nới rộng.
Do đó, để bớt lỗ, công ty chỉ còn trông chờ vào khoản hoàn nhập dự phòng khoản phải thu và hoàn nhập quỹ công nghệ. BVSC đánh giá, PVD có thể hoàn nhập khoảng 180 tỷ từ thu hồi công nợ khách hàng, quỹ công nghệ có thể mang lại dòng tiền khoảng 140 tỷ.
Đáng chú ý nhất là khoản phải thu từ PVEP với dư nợ gần 1.000 tỷ. Trong trường hợp không thành công, PVD có thể lỗ khoảng 800 – 1.100 tỷ đồng trong năm nay.