|
 Thuật ngữ VietnamBiz

 

PV: Tại sao anh làm xe máy điện và tại sao lại là Việt Nam? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Khi tôi còn ở bên Mỹ, xe điện nổi lên như một xu hướng với sự phát triển của công nghệ giúp chuyển đổi từ xăng sang điện. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, xe điện hai bánh ít được ưa chuộng như ô tô điện, chỉ có một số công ty sản xuất xe điện hai bánh nhưng họ làm theo kiểu đam mê là chủ yếu. Các nhóm này thường gọi một đến hai vòng vốn cộng đồng từ Indiegogo hay Kickstarter để làm ra những chiếc xe đó và cuối cùng cũng chết, ai về nhà nấy. Lý do lớn nhất là không có thị trường.

Hằng năm, tôi thường về Việt Nam để thăm gia đình và nhìn thấy sự phát triển của nền kinh tế, người dân chuyển về thành phố sống nhiều hơn, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng xe máy tăng lên, điều này dẫn tới tình trạng ô nhiễm gia tăng.

Tôi chọn xe làm xe điện với mong muốn kết nối những công nghệ đã có khả thi ở thị trường Mỹ với khu vực. Đông Nam Á là một thị trường lớn thứ ba thế giới về xe máy, chỉ xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc. Tại thị trường Đông Nam Á, có khoảng 210 triệu xe đang chạy trên đường, mỗi năm có khoảng 14 triệu xe mới được sản xuất và tiêu thụ.

 

Trái ngược với hai thị trường lớn nói trên, thay vì những ông lớn nội địa chống lưng thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc, Đông Nam Á lại bị chiếm lĩnh bởi các nhà sản xuất Nhật Bản.

Ở Đông Nam Á có hai xu thế đang diễn ra. Đó là chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện và thứ hai là ngành sản xuất trở nên nội địa hóa nhiều hơn. Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang dành nguồn lực đầu tư lớn hơn để nâng cao năng lực sản xuất nội địa, trở nên tự lực tự cường. Dat Bike mong muốn kết hợp hai xu thế đó để vươn mình trở thành công ty xe điện hai bánh số một Đông Nam Á.

PV: Dat Bike có đơn thuần là một ý tưởng về chiếc xe máy điện, có ngoại hình trông giống những chiếc 71 chạy trên đường phố Việt Nam ngày xưa hay chiếc xe này mang một tham vọng cao hơn? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Khi chúng tôi ra mắt mẫu Weaver đầu tiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi là tại sao lại chọn mẫu xe này bởi vì nó rất kén người dùng. Điều này có nhiều lý do, song cái lớn nhất vẫn nằm ở việc Dat Bike luôn suy nghĩ vì sao người ta chưa đi xe điện nhiều hơn.

Cách đây khoảng 4 năm, khi Dat Bike được thành lập thì những chiếc xe điện đã xuất hiện trên thị trường và đầy đủ mọi loại kiểu dáng, kiểu gì cũng có, từ giống xe đạp cho tới những mẫu xe mô phỏng xe tay ga … đều có hết. Tuy nhiên, người ta vẫn không đi xe điện. Vậy tại sao lại như thế?

Dat Bike đặt ra giả thiết rằng những chiếc xe điện đó không có tốt, khả năng vận hành kém, ví dụ như quãng đường đi được, tốc độ tối đa, khả năng leo dốc, thời gian sạc hay công suất, chưa đủ để thuyết phục người dùng chuyển sang xe điện.

Để thử nghiệm giả thiết đó có đúng hay không, chúng tôi buộc phải chọn giải pháp nhanh nhất, đó là làm ra một chiếc xe đơn giản, kiểu dáng này dễ làm đến nỗi mấy ông sinh viên cũng làm được. Tuy nhiên, khả năng vận hành của xe mới là điều mà chúng tôi quan tâm.

Weaver được xem là chiếc xe mô tô điện đầu tiên ở Việt Nam với những chỉ số vượt trội, gần ngang ngửa một chiếc xe xăng với vận tốc lên tới 90 km/h, khả năng di chuyển đạt 100 km và chỉ tốn ba tiếng sạc điện. Dù kiểu dáng của chiếc xe có thể không phù hợp với đại đa số người dùng nhưng Dat Bike vẫn có khách hàng mua xe. Điều đó chứng tỏ giả thuyết của chúng tôi là đúng.

 

Thật ra, có nhiều lý do đằng sau quyết định chọn kiểu dáng xe như vậy. Khi còn làm kỹ sư phần mềm, tôi tiếp thu được một triết lý, đó là làm thật nhanh và cải tiến liên tục. Ngày trước, người ta làm sản phẩm [phần mềm] theo mô hình Waterfall, nghĩa là trước khi làm ra một cái gì đó thì người ta lên kế hoạch rất kỹ, chuẩn bị và thử nghiệm sản phẩm rất là lâu, sao cho sản phẩm được hoàn thiện đúng yêu cầu khi ra mắt.

Tuy nhiên, cách làm này không còn được ưa chuộng vì nó quá mất thời gian và đến khi sản phẩm được ra mắt thì chưa chắc thị trường đã đón nhận do thời thế thay đổi. Ví dụ như các hãng sản xuất xe xăng, chu kỳ phát triển sản phẩm của họ mất khoảng 5 năm và đến khi ra mắt, những sản phẩm này khó lòng cạnh tranh được với các startup về xe điện, bởi vì thị trường xe điện thay đổi rất là nhanh. Trong 5 năm đó, luật pháp về xe điện đã thay đổi, công nghệ pin cũng thay đổi và thị hiếu người dùng cũng thế thì sao còn làm theo phương pháp rất là chậm như vậy nữa?

Ở ngành công nghiệp phần mềm, người ta đã chuyển từ Waterfall sang Agile, tức là làm thật nhanh, liên tục cải tiến để giải quyết được vấn đề cốt lõi, nỗi đau của người dùng. Đó là triết lý mà Dat Bike theo đuổi, khách hàng phản hồi về sản phẩm và chúng tôi đưa ra những cải tiến để giải quyết được vấn đề đó.

Nhìn lại mẫu xe gần nhất so với kiểu dáng ban đầu, Dat Bike đã có những cải tiến lớn. Hiện tại, chúng tôi chiếm khoảng 15-20% thị phần xe điện có kiểu dáng giống xe mô tô hai bánh. Mục tiêu tiếp theo của Dat Bike là đem những công nghệ mà chúng tôi đã phát triển để làm thêm nhiều kiểu dáng mới.

 

PV: Với việc cải tiến liên tục như vậy, ắt hẳn Dat Bike đã chuẩn bị sẵn tâm lý là sẽ bị chê rất nhiều đúng không? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Đúng rồi! Thật ra, quan niệm của tôi khi làm sản phẩm là thà bị chê còn hơn là không ai quan tâm tới mình hết. Cái đó rất quan trọng, có những người yêu thích sản phẩm và họ trở thành fan, sẵn sàng bảo vệ sản phẩm bằng mọi giá. Tất nhiên, có những người không thích mình nhưng họ vẫn quan tâm, theo dõi những bước đi của Dat Bike, nếu có vấn đề gì thì họ sẽ chê. Đó là một điều tốt vì còn có người quan tâm tới mình.

Khi chúng ta làm một cái gì đó thì sẽ luôn hình thành hai thái cực đối lập, gọi là fan và anti-fan. Tương tự như Messi và Ronaldo, người thích Messi thì sẽ không ưa Ronaldo và ngược lại. Tuy nhiên, chúng tôi thà làm Messi hoặc Ronaldo, còn hơn là một ông cầu thủ đá ở giải nhà vườn nào đó mà không ai biết tới.

PV: Anh Sơn có đam mê xe cộ hay không? Điều gì khiến một kỹ sư phần mềm lại muốn bắt đầu ở lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo? Nếu không phải là đam mê thì điều gì đã thúc đẩy ý tưởng này? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Thú thật, ngày trước thì tôi không đam mê xe cộ, chỉ biết viết phần mềm thôi, nhưng giờ thì khá hơn nhiều rồi.

Về mặt cá nhân, tôi nhìn thấy được rằng ở trong tương lai, mọi người sẽ chuyển sang đi xe điện, đó là xu thế và nó chắc chắn sẽ xảy ra. Còn một điều nữa là xu thế nội địa hóa đang ngày càng gia tăng trong khu vực Đông Nam Á, điều đó khiến tôi phải bắt tay vào làm sớm hơn.

Không phải là Sơn làm xe điện thì sẽ có ông nào đó ở Indonesia, Malaysia làm và trong khi ở Indonesia đã bắt đầu rục rịch làm xe điện thì tôi cũng phải vào việc luôn, tránh để Việt Nam bị tụt lại phía sau. Tham vọng của tôi là đưa Việt Nam thống lĩnh thị trường xe điện hai bánh ở Đông Nam Á, như câu chuyện của Honda, chiếm lĩnh khoảng 85% thị phần của khu vực.

Giống như đi vào bảo tàng, chúng ta nhìn thấy một bức tranh có viết tên tác giả lên đó và cũng muốn được như vậy, không muốn bản thân chỉ là người đi xem tranh mà thay vào đó là người vẽ tranh. Tương tự lịch sử, tôi không muốn làm người đi qua chứng kiến lịch sử, tôi muốn mình là người làm nên lịch sử.

 

PV: Không phải người xuất thân từ lĩnh vực cơ khí chế tạo, anh Sơn đã học như thế nào, nghe nói anh học qua YouTube? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Đúng, tôi học qua YouTube. Hồi ở Mỹ, tôi có dành một thời gian ngắn để theo học các trường dạy về nghề cơ khí. Sau đó, tôi chủ yếu nghiên cứu thông qua các tài liệu và video được chia sẻ trên Google, YouTube. Kiến thức trên mạng đầy mà, cái gì cũng có thể học được.

PV: Anh Sơn có nghĩ Thung lũng Silicon là một nơi luôn nuôi dưỡng những ý tưởng khác biệt như vậy? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Đúng rồi, nếu ngày xưa tôi không làm ở Silicon thì giờ chắc cũng chẳng có mặt ở đây. Tại Thung lũng Silicon, mọi người đều có tư duy là đi làm startup, kinh doanh. Họ có những ý tưởng mới và khát khao tạo ra những điều lớn lao.

Ở bên kia, độ phức tạp của con người rất là lớn. Họ suy nghĩ về các ý tưởng mới rất nhiều. Chúng ta có thể bắt gặp mọi người trò chuyện với nhau trong quán cà phê về những tính năng mới hay các bài toán mà xã hội cần giải quyết, thay vì chỉ ngồi “tám chuyện”. Ngay cả với những đồng nghiệp trong công ty của tôi ngày trước, họ cũng có nhiều tham vọng khởi nghiệp bởi môi trường cổ vũ họ làm điều đó.

PV: Có thể đó là văn hóa tại Thung lũng Silicon, song nó không phù hợp với cách nghĩ của người Việt Nam, việc anh từ bỏ một nơi làm việc tốt như vậy có lẽ không được nhiều người ủng hộ? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Ngày đó, ba mẹ tôi không ủng hộ quyết định này. Ba mẹ là người làm kinh doanh, họ cố kiếm tiền để cho con được học hành, có một công việc ổn định chứ không mong muốn con đi theo con đường này. Tuy vậy, sau vài năm tôi làm Dat Bike thì gia đình tôi cũng không còn phản đối gay gắt như trước nữa và họ cũng đã hiểu mình nhiều hơn.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi thấy ở các bạn trẻ ở Việt Nam có rất nhiều khát khao. Tinh thần kinh doanh của người Việt khá cao, họ chọn kinh doanh một thứ gì đó, thay vì đi làm cho các công ty. Chẳng hạn, có rất nhiều người mở quán xá buôn bán. Điều đó ít thấy ở Mỹ.

 

Tuy vậy, ở Việt Nam đang thiếu những công ty startup thành công, đẻ ra các thế hệ F2, F3… tương tự như câu chuyện của Grab hay Shopee. Ở Mỹ, tinh thần khởi nghiệp của họ được nuôi dưỡng từ những hệ sinh thái rất lâu đời. Các công ty khởi nghiệp thế hệ đầu khi đạt được thành công, sẽ kéo theo sự xuất hiện của những thế hệ tiếp theo. Họ từng là nhân viên của các công ty này, tiếp tục kế thừa và tạo ra những công ty khởi nghiệp mới.

Những hệ sinh thái như vậy ở Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều và Dat Bike muốn trở thành một công ty như vậy, nơi giúp các bạn nhân viên trở thành những người có thể bước ra ngoài và tạo ra những công ty khởi nghiệp tiếp theo.

PV: Anh Sơn có nghĩ Việt Nam đang thiếu những ý tưởng đột phá? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Ý tưởng thì có rất nhiều nhưng ở Việt Nam đang thiếu những bài học về thành công và thất bại đủ lớn để mọi người có thể rút kinh nghiệm và học hỏi từ đó. Ý tưởng rất là rẻ, chỉ có cách làm mới là đắt giá.

 

PV: Nhìn lại hành trình từ năm 2019 đến nay của Dat Bike, anh Sơn thấy tâm đắc điều gì nhất? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Tôi rất tâm đắc với sản phẩm. Dù Dat Bike có sở hữu quy mô nhà xưởng rộng lớn hơn, có hệ thống rộng khắp… thì đó vẫn chỉ là những yếu tố phụ. Dat Bike vẫn đang trong quá trình phát triển sản phẩm, làm sao có thể tối ưu hóa khả năng vận hành, thời gian sạc của xe so với giá tiền bỏ ra.

Sản phẩm là một điều rất quan trọng và Dat Bike hiện tại vẫn là một công ty làm phát triển sản phẩm. Tôi sẵn sàng đánh đổi kết quả kinh doanh để tập trung cho việc phát triển sản phẩm, bởi khi sản phẩm tốt thì việc kinh doanh sẽ tốt lên thôi. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng người ta chưa đi xe điện nhiều là do sản phẩm chưa tốt.

PV: Hiện tại, anh đánh giá Dat Bike đang ở đâu so với viễn cảnh mà anh nhìn thấy khi bắt đầu khởi nghiệp? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Công ty hiện đã tốt hơn trước nhưng chặng đường đạt tới mục tiêu còn rất dài. Ngày trước, chúng tôi chỉ có 5-6 người và phải thay nhau làm hết tất cả các công việc. Hiện tại thì ổn hơn rồi, công ty đã có khoảng 200 người, phân chia thành nhiều team khác nhau, giúp nhân sự có thể tập trung vào chuyên môn tốt hơn.

PV: Có một vị kỹ sư từng nói muốn làm ra một chiếc xe điện rất dễ, chỉ cần nhập linh kiện từ Trung Quốc, lắp ráp là trong nửa năm đã có sản phẩm thương mại rồi, tôi nghĩ anh Sơn chắc hẳn không thích ý tưởng này, vậy mức độ “Việt Nam” của một chiếc xe Dat Bike là như thế nào? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Chúng tôi tự tin Dat Bike là chiếc xe được sản xuất ở Việt Nam với hơn 90% linh kiện “Made in Vietnam” và được Bộ Giao thông Vận tải công nhận. Các linh kiện được chúng tôi thiết kế và đặt hàng nhà cung cấp trong nước sản xuất, chỉ có phần cell pin là chúng tôi buộc phải nhập.

Trong nước cũng có một số đơn vị làm xe điện nhưng linh kiện của họ đến từ nhiều nơi, có thể là Việt Nam, Trung Quốc. Các đơn vị này thường chạy theo mô hình CKD, tức là họ nhập khẩu nguyên chiếc xe điện từ Trung Quốc về để bán trong nước. Nhằm tránh việc bị đánh thuế cao, họ chia nhỏ chiếc xe thành nhiều linh kiện khác nhau rồi đưa về Việt Nam, lắp ráp lại thành chiếc xe hoàn chỉnh.

Như vậy, mức độ chất xám bỏ ra không nhiều. Chưa kể xe của Trung Quốc được sản xuất phục vụ nhu cầu di chuyển trong quãng ngắn, cho nên họ chủ yếu chỉ bán cho học sinh khi mang những mẫu đó về Việt Nam.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng Dat Bike là một chiếc xe điện có giá không hề rẻ và chỉ phù hợp cho một thú chơi hơn là việc phục vụ nhu cầu di chuyển thông thường, anh Sơn nghĩ sao về điều này? Và Dat Bike đang giải quyết bài toán giá thành như thế nào? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Theo tính toán của chúng tôi, mỗi chiếc xe có thể giúp tiết kiệm từ 5-7 triệu tiền xăng. Như vậy, trong 10 năm, đây là một chiếc xe miễn phí vì tiền mua xe bằng với chi phí đổ xăng, trong khi điện thì rẻ hơn xăng rất nhiều.

Để làm được một chiếc xe điện ngon lành, có thể chạy được xa là một bài toán khó nhất mà các hãng xe điện cần giải quyết, kể cả xe ô tô và thậm chí là máy bay. Ở Việt Nam, người ta quen với các dòng xe điện của Trung Quốc với giá rẻ, khả năng vận hành thấp, nên họ nhìn thấy mức giá của Dat Bike là cao. Chúng tôi tự tin với khả năng vận hành của xe điện Dat Bike, thuộc hàng top Việt Nam.

Như tôi nói, vấn đề giá thành là bài toán khó nhất và các hãng xe điện đều chạy đua cải thiện khả năng vận hành so với mức giá, ông nào không làm được thì sẽ bị bỏ lại phía sau.

PV: Dat Bike đang làm gì để giải bài toán này?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Có hai việc chúng tôi đang làm. Đầu tiên là tập trung vào nâng cao công nghệ, đào sâu vào các công nghệ lõi, làm sao cho nó hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai, chúng tôi phải cố gắng nâng cao công suất đầu ra. Giá thành sẽ giảm khi mà công suất đầu ra được cải thiện.

PV: Đội ngũ R&D của Dat Bike hiện có bao nhiêu người và “profile” của họ như thế nào?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Chúng tôi có khoảng 50 người, họ từng làm việc tại nhiều công ty lớn như VinFast, Yamaha hay Samsung, Gojek. Hiện chúng tôi đang đặt mục tiêu mỗi năm ra mắt một mẫu xe mới, có kiểu dáng khác biệt hoàn toàn so với những dòng xe cũ.

PV: Muốn phát triển được xe điện, đủ cạnh tranh với xe xăng thì cần giải quyết được bài toán năng lượng. Dat Bike mới chỉ có một trạm sạc duy nhất ở TP HCM, xin anh chia sẻ thêm về kế hoạch mở rộng trạm sạc của Dat Bike?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Xe của Dat Bike có một ưu điểm là sạc khá là nhanh so với các dòng xe khác. Mọi người có thể sạc tại nhà, chỉ cần 3 tiếng là có thể chạy được 200 km. Chúng tôi đang đặt một trạm sạc nhanh Dat Charge tại TP HCM với khả năng sạc 20 phút cho 100 km di chuyển. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện khả năng của trạm sạc và mở rộng quy mô.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng đặt thêm nhiều trạm sạc thường, khả năng sạc một tiếng cho 100 km. Hiện tại, các trạm sạc như vậy được các nhóm cộng đồng người sử dụng Dat Bike tự đặt, có khoảng 5-6 trạm.

Mục tiêu trong năm 2023, Dat Bike sẽ đặt thêm 100 điểm sạc thường tại khu vực TP HCM, trong khi các trạm sạc nhanh sẽ có khoảng hơn 10 điểm, phục vụ các quãng đường dài, ví dụ như TP HCM – Đà Lạt.

PV: Hầu như tôi không thấy đơn vị nào phát triển ý tưởng tượng tự Dat Bike, anh nghĩ sao về điều này, khi mà Dat Bike là một cái tên được giới khởi nghiệp cũng như truyền thông nhắc tới khá nhiều, phải chăng ý tưởng này không “ngon” để làm theo?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Đúng là như vậy, ý tưởng này quá khó để làm. Khi mình làm về phần cứng, chi phí đầu tư ban đầu rất là lớn, ví dụ chi phí đầu tư cho một chiếc xe tay ga truyền thống có thể tiêu tốn đến 2-3 triệu USD là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, việc gọi vốn cũng không hề dễ dàng, trong khi thời gian phát triển sản phẩm thì lâu. Như tôi nói, xe điện là một bài toán quá khó để giải và do có ít người làm nhưng bài toán khó thì tôi mới muốn giải, chứ dễ quá thì không còn gì thú vị.

 

PV: Tại sao anh chọn Shark Tank Việt Nam để gọi vốn? Có nhiều ý kiến cho rằng Shark Tank Việt Nam chỉ là nơi để quảng bá cho startup nhiều hơn việc gọi vốn, bởi miếng bánh “ngon” thì ít được đem ra cho cá mập xâu xé như vậy, anh nghĩ sao về điều này? 

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Với tôi, ý tưởng rất rẻ nhưng có làm được không thì mới đáng bàn. Ý tưởng có thể dễ dàng copy nhưng khi mình làm rồi thì liệu có chịu nổi được những nỗi đau hay không mới là điều quan trọng.

Trước khi trở về, tôi hầu như học tập và làm việc ở nước ngoài. Do đó, tôi không quen bất kỳ ai cả. Tôi không biết tìm những người cùng chung chí hướng ở đâu, nhà cung cấp, đối tác gia công ở chỗ nào, trong khi khách hàng cũng chẳng có. Thế nên, tôi chọn tham gia Shark Tank Việt Nam để giải quyết cả ba bài toán đó.

Sau khi tham gia chương trình, tôi đã tìm được nhiều người muốn tham gia dự án này cùng mình, các nhà cung cấp cũng tìm đến để đề nghị hợp tác cũng như khách hàng biết tới Dat Bike nhiều hơn. Nói chung chương trình cũng khá là “lợi hại”.

PV: Dat Bike liên tiếp đón nhận tin vui từ những nhà đầu tư mạo hiểm. Áp lực sau mỗi vòng gọi vốn là gì? Dat Bike có KPI tăng trưởng không? Nhà đầu tư kỳ vọng điều gì ở Dat Bike?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Hiện tại, Dat Bike đã gọi được tổng cộng hơn 16 triệu USD. Thật may mắn là các nhà đầu tư của Dat Bike đều rất dễ chịu, họ để cho chúng tôi tự quyết định, không đặt áp lực quá lớn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng giúp đỡ mình rất là nhiều, chẳng hạn như tôi vừa đi công tác Ấn Độ để gặp một số công ty trong ngành, chuyến đi này được nhà đầu tư hỗ trợ kết nối và giúp tôi học hỏi được rất nhiều.

Có một điểm lợi hại của các nhà đầu tư chuyên nghiệp là họ bắt bệnh rất nhanh. Bởi vì, họ đã trải qua quá nhiều công ty, biết rõ những nỗi đau của startup và cách giải quyết nó như thế nào. Khi mình gặp vấn đề nào đó, mình có thể hỏi nhà đầu tư để tìm câu trả lời, nếu nhà đầu tư không biết thì họ vẫn có thể tìm cho mình những người có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề đó. Gặp đúng nhà đầu tư quan trọng hơn là việc mình gọi được bao nhiêu tiền.

Các nhà đầu tư của Dat Bike đều rất tin tưởng chúng tôi ở hai chuyện. Một là tập trung phát triển sản phẩm và hai là tham vọng đưa Dat Bike trở thành công ty xe điện hai bánh số 1 Đông Nam Á.

 

PV: Với mỗi vòng gọi vốn, Dat Bike tìm kiếm điều gì ở các nhà đầu tư? Điểm chung trong tầm nhìn về tương lai chăng?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Đối với tôi thì tiền chưa chắc đã quan trọng bằng “người thầy”. Tôi muốn tìm được người có thể giải đáp giúp mình những thắc mắc, mang tính đặc thù trong ngành – thứ khó có thể tìm thấy được ở trên internet hay sách vở. Chẳng hạn, nếu tôi nói chuyện với một nhà đầu tư mà thấy “có mùi”, tôi có thể tìm hiểu được nhà đầu tư mới này thông qua những nhà đầu tư cũ của mình.

PV: Như anh chia sẻ, các nhà đầu tư của Dat Bike khá dễ chịu, họ có chung tầm nhìn và không đặt áp lực tăng trưởng lên Dat Bike để có thể nâng mức định giá nhằm thoái vốn sớm, đúng không?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Tôi nghĩ nhà đầu tư thì có thể chọn được. May mắn thay, đa phần các nhà đầu tư của Dat Bike đều muốn đồng hành trong dài hạn với chúng tôi.

Với tôi, mỗi quyết định đều có sự đánh đổi và điều quan trọng nhất là mình có chịu đánh đổi hay không. Ví dụ như mình gặp nhà đầu tư không ưng ý nhưng do đang kẹt tiền nên phải chấp nhận đánh đổi thì mình phải chịu kết cục sau này. Tốt hơn hết là nên cố gắng để không bị kẹt tiền để có quyền lựa chọn cao hơn.

PV: Vậy anh đã có lần nào phải đánh đổi chưa?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Ngày trước, tôi phải đánh đổi nhiều lắm do thường xuyên bị kẹt tiền, có đợt tưởng chừng như qua tuần là phải giải thể công ty rồi.

PV: Chiến lược Đông Nam Á của Dat Bike như thế nào? Anh Sơn có định hình đối thủ của mình sẽ là ai không?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Dat Bike đặt mục tiêu lớn nhất là Indonesia, thị trường này lớn hơn Việt Nam với số xe máy gần gấp đôi. Do đó, Dat Bike bắt buộc phải tiến vào thị trường này. Chiến lược của Dat Bike vẫn là tập trung vào sản phẩm, tạo dựng chỗ đứng tại Việt Nam trước khi đủ sức tiến vào thị trường khác.

PV: Năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn với nền kinh tế? Dat Bike đã chuẩn bị những gì cho năm mới? Liệu công ty có dự định gọi vốn tiếp trong năm nay không?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Hiện tại, Dat Bike vừa gọi được vốn nên chưa cảm thấy nhiệt lắm. Trong năm 2023, Dat Bike chưa có kế hoạch gọi vốn, tuy nhiên chúng tôi sẽ điều chỉnh tùy theo điều kiện thị trường cũng như nhu cầu tăng trưởng của công ty.

PV: Sau nhiều năm khởi nghiệp, mong anh Sơn có thể chia sẻ một triết lý mà anh yêu thích?

CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn: Có một câu tôi muốn chia sẻ với mọi người là “Đừng nghe bất cứ lời khuyên nào”, tức là những lời khuyên hay sách vở mà mình đọc thường mang tính chất tổng thể, thiếu các bối cảnh cụ thể với từng startup. Do đó, những lời khuyên như vậy sẽ không chính xác.

Người ta thường nói khi mà gặp khó khăn, nhà sáng lập phải cố gắng như thế này, làm như thế kia… nhưng tất cả những lời khuyên kiểu vậy thường thiếu bối cảnh, thiếu liên hệ và cảm giác rất chung chung, không có ích lợi gì hết.

Cái mình cần là phải thử làm, nếu sai thì nhận phản hồi và sửa. Bên cạnh đó, mình nên tìm những người hiểu bối cảnh của mình thì họ mới đưa ra lời khuyên đúng và chính xác cho chúng ta.

PV: Xin cảm ơn với những chia sẻ của anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn! Chúc anh và Dat Bike tiếp tục gặt hái thành tựu trong năm 2023! 

 

Nhật Ngô
Alex Chu
Doanh Nghiệp & Kinh Doanh