|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO công ty mỹ phẩm tiếc vì không thể nhận 5 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam

18:26 | 18/02/2018
Chia sẻ
Không đủ thẩm quyền để tự quyết định trong Shark Tank Việt Nam, chàng trai sáng lập công ty mỹ phẩm 3C buộc phải từ chối khoản đầu tư 5 tỷ đồng.

Xuất hiện trong tập 15 của Shark Tank Việt Nam hôm 17/2, Phan Duy Cường, giám đốc điều hành (CEO) công ty mỹ phẩm 3C, kêu gọi 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.

Với mục tiêu biến nguyên liệu thô từ nông dân thành nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu, 3C hoạt động trong các lĩnh vực gia công mỹ phẩm (công suất 6 tấn một tháng), nhập khẩu và phân phối hơn 300 loại nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm, nghiên cứu và phát triển mỹ phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

ceo cong ty my pham tiec vi khong the nhan 5 ty dong trong shark tank viet nam
Phan Duy Cường, giám đốc điều hành công ty mỹ phẩm 3C, kêu gọi 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.

“Tốc độ tăng trưởng của 3C là 50% một tháng, tỷ suất lợi nhuận là 45% chưa trừ chi phí. Trong hai năm tới, công ty có thể chiếm lĩnh 15% thị phần mỹ phẩm Việt”, Duy Cường tiết lộ. Về nguyên liệu, Duy Cường nói 40% nguyên liệu có nguồn gốc trong nước, phần còn lại có xuất xứ nước ngoài. Các thị trường chủ yếu mà công ty nhập nguyên liệu là Mỹ, Pháp, Singapore. Đội ngũ nghiên cứu gồm 9 người - gồm hai bác sĩ, hai dược sĩ cùng các chuyên gia công nghệ sinh học và hóa bào chế.

Khách hàng có thể yêu cầu 3C sản xuất theo yêu cầu của họ, hoặc sử dụng công thức từ những nghiên cứu của công ty. Duy Cường cho biết, khoảng 90% khách hàng sử dụng công thức của 3C để sản xuất.

Doanh thu của 3C tăng dần theo từng tháng. Chẳng hạn, doanh thu các tháng 6,7,9 lần lượt là hơn 500 triệu, hơn 600 triệu, 800 triệu. Riêng doanh thu tháng 10 đạt tới 1,8 tỷ, tức là gấp hơn hai lần so với tháng 9. Mục tiêu doanh thu của tháng 2 là 3,2 tỷ, trong đó lợi nhuận chiếm 25%.

Vốn điều lệ của 3C tới từ 6 cổ đông. Duy là cổ đông chính, với cổ phần là 47,5%. Hai cổ đông ngoài công ty chiếm 20% cổ phần. Tổng số tiền mặt các cổ đông đã góp là 4,2 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư yêu cầu Duy Cường đưa người phụ trách mảng tài chính vào sân khấu để trình bày tình hình tài chính. Đó là Ánh, cô gái sở hữu 6,25% cổ phần. Sự nhầm lẫn của Ánh về tài sản cố định và vốn góp khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên. Khi ông Nguyễn Xuân Phú hỏi về lãi lũy kế, Ánh không trả lời ngay, mà xin thêm thời gian để tính.

“Em làm kế toán thì phải biết ngay lãi lũy kế chứ”, ông Phú bình luận.

Ánh nói tổng lãi trong 3 năm qua là 12 tỷ đồng. Nhưng khi ông Phú yêu cầu liệt kê những tài sản tạo nên giá trị 12 tỷ, cả Ánh và Duy Cường đều bối rối.

“Từ khi em vào đây, anh thấy tình hình còn rối hơn”, ông Trần Anh Vương nhận xét.

Không tin các con số tài chính cũng như triển vọng của 3C, ông Vương quyết định không đầu tư. Nữ doanh nhân Thái Văn Linh nói bà không thấy điểm khác biệt của 3C, và cũng lo ngại công ty khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nên không rót vốn. Ông Phạm Thanh Hưng cũng quyết định tương tự vì không tin 3C có thể đạt tỷ suất lợi nhuận 45% doanh thu trong khi công ty chẳng có công nghệ đặc biệt nào.

“Công ty của em đang làm quá nhiều sản phẩm. Em không biết miếng bánh nào lớn nhất trong mảng mỹ phẩm thì làm sao em có thể xơi được?”, doanh nhân Lê Đăng Khoa nêu lý do khiến anh không đầu tư.

Căn cứ vào dữ liệu mà Duy Cường đưa ra, ông Phú đề nghị khoản đầu tư 5 tỷ đồng để lấy 25% cổ phần.

“Với kinh nghiệm của bản thân, anh sẽ giúp em hạch toán đúng lỗ, lãi. Anh có nhiều mối quan hệ với giới mỹ phẩm Hàn Quốc. Họ rất muốn tìm đối tác để chuyển giao công nghệ, máy móc để sản xuất. Em chỉ cần sản xuất, bán sản phẩm, tạo ra tiền. Mọi thứ khác em không phải lo”, ông Phú nói.

Giải thích rằng tỷ lệ 25% quá cao, Duy Cường nói anh chỉ có thể chấp nhận mức tối đa là 14%. Vì thế ông Phú quyết định không đầu tư.

“Nếu em có thẩm quyền quyết định, em sẽ đồng ý với đề nghị của ông Phú”, Duy Cường thổ lộ sau khi rời sân khấu.

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.