Cao su Đà Nẵng: Kéo ngắn, đo dài
DRC: Doanh thu giảm, chi phí tăng | |
Lãi 9 tháng giảm hơn một nửa, Cao su Đà Nẵng trả cổ tức bằng tiền 5% |
Giới phân tích lập luận rằng nếu lợi nhuận tăng nhưng doanh thu sụt giảm, thì đó là tin vui trong ngắn hạn nhưng có thể là tin buồn về dài hạn. Ngược lại, nếu lợi nhuận giảm nhưng doanh thu vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực thì đó có thể là tin buồn trong ngắn hạn nhưng lại là tin vui trong dài hạn. Trường hợp này có thể đúng với Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC).
Cơ hội lợi nhuận trở lại
Doanh thu của Công ty vẫn tăng đều qua các năm, từ mức 2.706 tỉ đồng trong năm 2011 lên 3.831 tỉ đồng trong năm 2017. Năm 2018, Công ty thậm chí còn đặt chỉ tiêu doanh thu 4.592 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại không diễn biến theo chiều hướng tích cực như vậy: sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 với 415 tỉ đồng đã giảm 60% xuống 166 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là tình cảnh mà Công nghiệp Cao su Miền Nam và Cao su Sao Vàng phải đối mặt. Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng này, theo các doanh nghiệp săm lốp, là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và chi phí bán hàng gia tăng do đẩy mạnh chính sách bán hàng.
Theo giải thích của ông Phạm Ngọc Phú, thành viên Hội đồng Quản trị của DRC, hoạt động kinh doanh của DRC chịu ảnh hưởng bởi giá cao su tăng cao từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Công ty Chứng khoán KIS cũng nhận định rằng DRC hiện thiếu kế hoạch phòng vệ tài chính hiệu quả trước biến động giá nguyên vật liệu.
Tuy vậy, giới đầu tư kỳ vọng giá bán của DRC sẽ dần được điều chỉnh để phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào, cùng với việc kiểm soát chi phí tốt sẽ giúp Công ty cải thiện lợi nhuận trong tương lai. Hơn nữa, nếu doanh thu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt thì lợi nhuận thậm chí có thể bứt phá trong thời gian tới.
Hoạt động chính của DRC hiện tại bao gồm sản xuất và phân phối trong và ngoài nước các sản phẩm săm và lốp cho xe đạp, xe máy, ô tô và các phương tiện khác cùng với các sản phẩm từ cao su khác. Trong số các sản phẩm, các sản phẩm dành cho ô tô (phần lớn là lốp Bias và lốp Radial cho xe thương mại) đóng góp 83% tổng doanh thu năm 2017 của DRC. Sau 4 năm đi vào sản xuất, mảng lốp Radial đã đóng góp 35% tổng doanh thu với tốc độ tăng trưởng 45% năm 2017.
Thị trường săm lốp Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới. Theo dự báo của TechSci Research, tổng giá trị thị trường săm lốp Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 8%/năm giai đoạn 2015-2020, cao gấp 2 lần mức tăng trưởng trung bình của thế giới.
Khi chất lượng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam đang ngày được cải thiện, những ưu thế của lốp Radial so với lốp Bias sẽ ngày càng rõ nét. Xu hướng Radial hóa sẽ tạo điều kiện tăng trưởng trong dài hạn cho các doanh nghiệp săm lốp có nhà máy sản xuất Radial như DRC.
DRC đã triển khai nhà máy Radial giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động từ năm 2013, công suất giai đoạn 1 đạt 300.000 lốp/năm. Sau 3 năm hoạt động (2014-2017), nhà máy hiện đang hoạt động 111% công suất thiết kế. Kết quả này có thể được coi là ấn tượng nếu so sánh với các doanh nghiệp nội địa khác là CSM khi nhà máy Radial của CSM chỉ mới đạt 50-60% công suất thiết kế và chỉ đang kỳ vọng đạt điểm hòa vốn, trong khi nhà máy Radial của DRC đã đạt điểm hòa vốn kể từ quý IV/2017.
Từ quý II/2015, DRC bắt đầu đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy để mở rộng công suất kịp thời với sự gia tăng trong nhu cầu dòng sản phẩm này. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn từ quý IV/2018 và sẽ đẩy tổng công suất nhà máy lên mức 600.000 lốp/năm.
Còn nhiều trở ngại
Tiềm năng là vậy, nhưng ngoài biến động của nguyên liệu đầu vào, thị trường lốp xe cũng đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Một trong những cách làm của DRC là chuyển đổi sản xuất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nắm bắt xu thế vận động của ngành sản xuất.
Những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật), Kumho Tire (Hàn Quốc)… ngoài xuất khẩu cũng đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đồng thời, cạnh tranh trong mảng săm lốp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, sản phẩm có giá thấp hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác không những khiến giá đầu ra của doanh nghiệp nội địa không thể điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào, mà còn phải tăng chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ…
Trước đây, DRC làm việc với đối tác Trung Quốc trong quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất lốp Radial. Do đó, khách hàng so sánh lốp Radial của DRC với lốp nhập khẩu từ Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, vào năm 2016, DRC đã ký hợp đồng với Black Donuts Engineering, một công ty hàng đầu thế giới chuyên về tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất lốp xe với tiêu chuẩn cao hơn. Cải tiến này có thể giúp Công ty củng cố khả năng định giá bán.
Nếu thành công, tỉ suất lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể và cho phép Công ty cạnh tranh trong phân khúc giá bán cao hơn.
Với thị trường Việt Nam, cơ hội của DRC chính là ngành công nghiệp ô tô và xe máy đang phát triển. Cụ thể, ngành sản xuất ô tô cũng như ngành sản xuất phụ tùng đang được Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển với các chính sách gia tăng tỉ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước cũng như khuyến khích phát triển các ngành phụ trợ.
Hiện tại, nhà sản xuất xe như Công ty Cổ phần Ô tô Trường hải (Thaco) đang mua lốp LTR từ Đài Loan và có mong muốn mua LTR từ DRC để tăng tỉ lệ nội địa hóa thay vì mua lốp từ Đài Loan. Được biết, một khi đi vào sản xuất thương mại, Thaco đặt hàng 120.000 lốp LTR, so với công suất LTR ban đầu mà DRC dự kiến là 200.000 lốp. Ngoài ra, một công ty mới gia nhập ngành sản xuất xe cũng đang thương thảo với DRC. Cơ hội của DRC còn là thị trường xe máy. Thị trường này dù có vẻ đã bão hòa, nhưng doanh số bán xe máy vẫn tăng trưởng nhẹ trong quý I/2018. Một động lực khác của DRC có thể đến từ việc thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Hiện tại, Vinachem đang nắm giữ gần 60% cổ phần của DRC và có kế hoạch thoái vốn xuống chỉ còn nắm giữ khoảng 36% cổ phần.
HSC nhận định triển vọng trung hạn của DRC có vẻ khá hấp dẫn. Mức sử dụng công suất của nhà máy Radial lớn hơn sẽ giúp cải thiện tỉ suất lợi nhuận bên cạnh đó là nhu cầu lớn đối với lốp LTR từ Thaco và các nhà sản xuất trong nước khác.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/