Cần mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường
Ông Vũ Khắc Liêm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Hiền |
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, BVMT luôn là nội dung quan trọng xuyên suốt, không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chính sách thu phí BVMT đối với nước thải từ năm 2004; phí BVMT đối với khai thác khoáng sản từ năm 2005.
Ngày 15/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Theo đó, thuế BVMT thu đối với xăng dầu, than đá, túi ni lông, HCFC, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng.
Theo đánh giá của ông Vũ Khắc Liêm, việc thực hiện chính sách thuế BVMT đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, đồng thời khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thân thiện với môi trường. Qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Đại diện Vụ Chính sách Thuế cũng cho hay, Luật Thuế BVMT đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi phục vụ cho BVMT. Số thu từ thuế BVMT liên tục tăng và ổn định qua các năm, tổng thu thuế BVMT từ năm 2012 đến năm 2016 với khoảng trên 105.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48%-4,27% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm và khoảng 0,34-0,98% trên tổng GDP hàng năm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Thuế BVMT còn tồn tại nhiều vướng mắc về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, hoàn thuế, khung thuế BVMT đối với một số hàng hoá và thời điểm tính thuế BVMT nên cần phải sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT đang được lấy ý kiến và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế về thuế BVMT, từ đó đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam. Theo đó, các ý kiến đều cho rằng cần mở rộng thêm đối tượng phải chịu thuế BVMT, như: Phân bón hóa học, chất tẩy rửa, chất kích thích tăng trưởng, khí than, khí thiên nhiên…
Các chuyên gia cũng cho rằng, mức thuế BVMT cần được tính toán sao cho thể hiện được sự điều tiết của Nhà nước đối với những hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Cụ thể, mức thuế đối với túi ni lông cần được điều chính để đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tương tự, thuế BVMT đối với xăng dầu cũng cần được tính toán để có thể khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học trong dân cư…