|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cải thiện môi trường kinh doanh: 'Bộ đến ga cuối, bộ chưa xuất phát'

14:29 | 24/03/2018
Chia sẻ
“Bức tranh” cải cách điều kiện kinh doanh vẫn trong tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có chuyển động nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ.
cai thien moi truong kinh doanh bo den ga cuoi bo chua xuat phat Doanh nghiệp châu Âu chờ cơ hội từ EVFTA
cai thien moi truong kinh doanh bo den ga cuoi bo chua xuat phat Nhà đầu tư Nhật Bản có nản lòng với môi trường kinh doanh của Việt Nam?

“Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn lạnh. Bộ trưởng nóng nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa nóng, các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh...”, đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội nghị môi trường kinh doanh Việt Nam vừa được tổ chức mới đây.

Vẫn “trên nóng dưới lạnh”

Theo thống kê giai đoạn 2014-2017, việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả này được phản ánh cụ thể qua các con số sau: Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

cai thien moi truong kinh doanh bo den ga cuoi bo chua xuat phat
Môi trường kinh doanh vẫn "trên nóng dưới lạnh"

Song phần lớn cơ quan, bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong giai đoạn rà soát, lên kế hoạch thực thi. Nếu coi mỗi bộ như một con tàu thì có con tàu đã đến ga cuối cùng nhưng có bộ chưa vào nơi xuất phát trong cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong khi Chính phủ tiếp tục “rất nóng” để thực hiện cam kết hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp (DN) thì các bộ, ngành, địa phương và từng công chức vẫn chưa thực sự “bớt lạnh”.

Nhận xét về môi trường kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn lạnh; nhiều Chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa nóng; Bộ trưởng nóng nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa nóng, các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh... Một số hiệp hội DN cũng chưa thấy nóng; chưa chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung để cải thiện môi trường kinh doanh.

Điểm lại kết quả cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2017, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, 4 chỉ số có sự cải thiện mạnh: Tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, 4 chỉ số: đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giải quyết phá sản DN, khởi sự kinh doanh, đứng cuối bảng xếp hạng không có cải thiện, giảm điểm, tụt hạng hoặc ở vị trí thấp. Trong khi trên thế giới những cải cách về đăng ký kinh doanh chiếm vị trí quan trọng nhất thì ở Việt Nam không thay đổi, chỉ số đăng ký kinh doanh vẫn đứng thứ 123 trong các nền kinh tế.

cai thien moi truong kinh doanh bo den ga cuoi bo chua xuat phat

TS Nguyễn Đình Cung: “Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành phố “nóng” là yếu tố quyết định để đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu như yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ…”

Ông Cung đánh giá, hiện nay Bộ Công Thương cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt hơn một nửa, Bộ Xây dựng cũng rất quyết liệt, đề xuất bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các bộ còn lại cho đến nay mới chỉ dừng lại ở rà soát mà chưa có phương án thay đổi nên chưa đề xuất được số lượng điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ, thậm chí có một số bộ còn chưa rà soát như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều đó dẫn đến “bức tranh” cải cách điều kiện kinh doanh vẫn trong tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có chuyển động nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Kết quả đạt được mới chỉ bước đầu, chưa mang tính hệ thống và còn xa so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19 là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.

Người đứng đầu cần chỉ đạo quyết liệt

Theo các chuyên gia, để cải thiện môi trường kinh doanh, cần nỗ lực phi thường của từng bộ, ngành, địa phương và từng công chức cũng như DN. Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong những năm tới.

Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ đúc kết từ một số bài học kinh nghiệm, ông Cung cho hay, ở những lĩnh vực mà người đứng đầu vào cuộc ngay từ đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt sát sao thì sẽ đạt kết quả như mục tiêu. Trong bối cảnh này, nếu không có những thay đổi vượt bậc trong thực thi, sức nóng không trải đều tới từng công chức, tới từng vị trí đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, thì mong muốn tạo được đột phá, sự thay đổi vượt bậc của môi trường kinh doanh Việt Nam mà Chính phủ muốn đạt được trong năm 2018 sẽ gặp nhiều trở ngại.

Còn luật sư Vũ Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh khẳng định, cải cách thủ tục hành chính cần phải nhắm đến cả 2 đối tượng: DN và cơ quan quản lý. Hiện đã có những quy định rõ ràng để xử phạt các DN làm sai, nhưng chưa có những quy định rõ ràng để xử lý các công chức làm sai, tự tiện đặt ra những thủ tục hành chính không có trong quy định, hoặc cố tình trì hoãn không thực hiện các quy định pháp luật để hành DN. Để cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm việc thực hiện của các tổ chức cá nhân; cần phải xây dựng những quy định hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức rõ ràng, chi tiết, đặc biệt về vấn đề kỷ luật công.

“Hiện đã có quy định xử phạt các doanh nghiệp làm sai, nhưng chưa có quy định rõ ràng để xử lý các công chức làm sai,…hoặc cố tình trì hoãn không thực hiện các quy định pháp luật để hành doanh nghiệp…”, Luật sư Vũ Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Anh Phương