|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cách ly và điều trị F0 tại nhà cần chú ý những điều gì?

15:52 | 27/07/2021
Chia sẻ
Trong thời gian cách ly tại nhà, F0 cần phải theo dõi sức khỏe liên tục, chú ý giữ vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với người nhà. F0 nên ở trong phòng riêng, thoáng khí, sử dụng các đồ dùng cá nhân riêng.

Từ ngày 14/7, Việt Nam đã tiến hành thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà. TP HCM là địa phương đầu tiên triển khai mô hình này do số ca mắc quá lớn khiến cho hệ thống điều trị quá tải.

F0 cách ly tại nhà cần chú ý những điều gì? - Ảnh 1.

Việc cách ly F0 không triệu chứng tại nhà giúp giảm tải áp lực điều trị đối với hệ thống y tế. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Những trường hợp F0 nào được cách ly tại nhà

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, các F0 được cách ly ngay tại nhà sau khi phát hiện dương tính với COVID-19 và chỉ nhập viện trong trường hợp diễn biến nặng. Tuy nhiên, Việt Nam lại lựa chọn cách ly F0 tại nhà thận trọng hơn.

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có công văn khẩn hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Theo đó, đối với trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT >=30.

Trường hợp kết quả xét nghiệm ngày thứ 7 dương tính với giá trị CT < 30 thì thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi hai ngày sau đó cho đến khi kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì cho phép người bệnh về tiếp tục cách ly theo dõi tại nhà theo quy định.

Đối với trường hợp F0 mới phát hiện không triệu chứng, có kết quả xét nghiệm RT-PCR với giá trị CT ≥ 30 và hội đủ các điều kiện theo quy định của ngành y tế thì xem xét cách ly tại nhà.

Khi người bệnh đủ điều kiện xuất viện theo quy định, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức hoặc phường, xã, thị trấn ban hành quyết định kết thúc thời gian cách ly tập trung theo quy định.

Khi F0 cách ly tại nhà cần lưu ý điều gì?

Theo công văn số 5599 của Bộ Y tế và văn bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ban hành kèm theo quyết định 3416 của Bộ Y tế, khi tiến hành cách ly tại nhà cần phải đảm bảo các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

F0 cách ly tại nhà cần chú ý những điều gì? - Ảnh 2.

F0 cách ly tại nhà cần phải chú ý theo dõi sức khỏe thường xuyên. (Ảnh: báo Thanh niên).

Những điểm cẩn lưu ý khi cách ly F0 tại nhà 

Điều kiện phòng cách ly

- Phòng riêng, khép kín và thông gió, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Bệnh nhân khi cách ly tại nhà nên sử dụng phòng tắm và nhà vệ sinh riêng.

Đồ dùng cần chuẩn bị

- Đồ dùng vệ sinh cá nhân, thùng rác riêng, quạt máy, bình đun nước siêu tốc, khẩu trang, găng tay, bát đũa (nên dùng đồ dùng 1 lần), bột giặt...

- Lưu ý, không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác

Chế độ dinh dưỡng và thuốc cần dùng

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước ấm, uống oresol bù nước và tăng sức đề kháng với vitamin C, D3.

- Các loại thuốc cần phải chuẩn bị bao gồm thuốc hạ sốt Paracetamol, oresol, nước muối súc miệng, xịt mũi...

- Nếu sốt cao có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn.

Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.

Theo dõi sức khoẻ

- Đeo khẩu trang và tự cách ly với mọi người trong nhà- Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.

Các triệu chứng ban đầu có thể gặp phải:

Sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Kiểm tra:

- Theo dõi sát sức khỏe của bản thân, thực hiện đo nhiệt độ nhiều lần trong ngày.

- Để đo nhịp thở, bệnh nhân nằm thư thái 5-10 phút, sau đó đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống.

+ Người lớn sẽ có nhịp thở bình thường là 16-20 lần/phút, nếu trên 22 hoặc dưới 15 lần thì bệnh nhân nên báo tới cơ sở y tế.

+ Đối với trẻ sơ sinh sẽ từ 30-50 lần/phút; từ 0-5 tuổi 25-40 lần/phút; từ 6 tháng đến 5 tuổi 20-30 lần/phút; từ 6-10 tuổi 15-30 lần/phút và đối với trẻ 11-20 tuổi 12-30 lần/phút.

- Đo oxy trong máu (SpO2) theo hướng dẫn y tế

+ Từ 94% trở lên, người bệnh tiếp tục theo dõi 3-4 lần mỗi ngày xem có ổn định hay không.

+ Cao hơn 90% nhưng thấp hơn 94%, cần liên hệ y tế để được tư vấn hoặc nhập viện.

+ Thấp hơn 90%, là biểu hiện bệnh COVID-19 trở nặng, cần gọi y tế hoặc nhanh chóng vào bệnh viện.

Khai báo

- Ghi nhật ký hằng ngày về các triệu chứng và thông số nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở, huyết áp và oxy trong máu (không bắt buộc).

- Cập nhật thông tin qua phần mềm hoặc thông báo cho cán bộ y tế.

Các biểu hiện cần cấp cứu

- Sốt tăng cao, tức ngực khó thở, nhịp thở nhiều hơn 24 lần trong một phút, lượng Oxy trong máu dưới 94%, da xanh/môi nhợt nhạt, nói không đủ câu, lẫn lộn về thời gian địa điểm, lạnh đầu ngón tay/chân, không thể cầm nắm, ăn uống.

Nếu có những biểu hiện trên cần phải liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Người chăm sóc, người nhà

- Không để trẻ em, người có bệnh nền nguy hiểm, người già ở cùng bệnh nhân. 

- Chỉ để một người trong nhà là người chăm sóc bệnh nhân. Những người khác ở trong nhà nên ở phòng riêng nếu có thể.

- Khi chăm sóc cho bệnh nhân cần mang đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay... thực hiện đúng quy định 5K.

- Vệ sinh các bề mặt trong nhà thường xuyên

- Phải bỏ rác thải vào thùng riêng, niêm phong và xử lý riêng.

- Người chăm sóc cho bệnh nhân cần rửa tay sạch, súc miệng nước muối và bổ dung thêm vitamin C, B12, B6, B1.

Nguồn: Tổng hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, WHO.

Tổ chức y tế thế giới cũng nêu các yếu tố nguy cơ bị bệnh nặng như:

- Người lớn hơn 60 tuổi, càng lớn tuổi thì nguy cơ càng tăng

- Có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, bệnh mạch máu não, rối loạn tâm thần, bện thận, suy giảm miễn dịch, béo phì, ung thư

- Trong thai kỳ: mẹ có các bệnh mãn tính và các bệnh đặc trưng như đái tháo đường, tiền sản giật.

- Hút thuốc lá.

Phương Trang

Nên bỏ tiền vào tài sản đầu tư nào: Vàng, chứng khoán hay bất động sản?
Rót tiền vào đâu luôn là mối quan tâm thường trực của các nhà đầu tư. Việc quyết định đầu tư vàng, cổ phiếu hay bất động sản... phụ thuộc vào tình hình vĩ mô cùng những thông tin kinh tế, xã hội trong nước và thế giới. Tuy nhiên, không có công thức chung nào cho tất cả. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh kinh tế và khẩu vị của bản thân nhằm gia tăng lợi nhuận.