Các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 19.000 ha diện tích tái canh cà phê
Thương mại cà phê Việt Nam dự báo chậm lại, giá trong nước giảm nhẹ |
TTXVN dẫn nguồn tin của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mùa mưa năm nay, các tỉnh Tây Nguyên có kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo mới thêm gần 19.000 ha cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh năng xuất kém.
Từ năm 2010 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh và ghép cải tạo được gần 80.000 ha cà phê. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng mùa mưa này có kế hoạch trồng mới 7.313 ha, đưa tổng diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo tăng lên 43.625 ha.
Tỉnh Đắk Lắk cũng lên kế hoạch trồng tái canh 3.479 ha, đưa tổng diện tích trồng tái canh vào cuối năm nay lên 19.125 ha.
Lâm Đồng và Đắk Lắk là 2 tỉnh có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh nhiều nhất cả nước.
Các tỉnh Tây Nguyên hướng dẫn các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thực hiện quy trình trồng tái canh và ghép cải tạo, nhất là nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, sâu bệnh và áp dụng luân canh từ 2 đến 3 năm với các loại cây ngắn ngày, đồng thời, thực hiện tốt việc xử lý tuyến trùng, nấm bệnh trước khi trồng.
Theo đề án tái canh, từ năm 2014 đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên tái canh 120.000 ha cà phê, trong đó, trồng tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha, trong đó, tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch trồng tái canh nhiều nhất với trên 45.600 ha, kế đến là tỉnh Đắk Lắk gần 30.000 ha
Sản lượng cà phê dự báo giảm 10%
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, niên vụ 2016-2017, sản lượng cà phê cả nước ước giảm 10% so với niên vụ kế trước.
Nguyên nhân giảm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến mưa ít, nắng nóng kéo dài dẫn đến diện tích cây trồng bị hạn ở khu vực Tây Nguyên – vùng trọng điểm cà phê của cả nước gia tăng. Cùng với đó, xu thế già hóa nhanh làm cho cây cà phê bị giảm sức đề kháng, khi gặp hạn mức độ thiệt hại càng tăng cao. Đây là niên vụ thứ 4 liên tiếp loại cây trồng này bị mất mùa, nếu không có giải pháp tái canh hợp lý thì năng suất cà phê sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới và Việt Nam có nguy cơ mất vị trí thứ 2 của thế giới về sản lượng. Tại Đắk Lắk, địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với hơn 203.000 ha đang xảy ra đợt hạn nặng nhất trong 30 năm qua. Tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh có 39.324 ha cà phê bị hạn (chiếm gần 76,5% tổng diện tích các cây trồng bị hạn), trong đó 4.949 ha bị mất trắng. Theo dự đoán của người trồng cà phê, sản lượng niên vụ 2016-2017 ở Đắk Lắk ước giảm trên 25% so với niên vụ kế trước.