|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các nhà băng Việt đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi?

20:39 | 24/02/2017
Chia sẻ
Chi phí bảo hiểm tiền gửi đang chiếm 3,64% tổng chi phí hoạt động của các ngân hàng, tăng so với mức 3,23% trong năm 2015.
cac nha bang viet dang chi bao nhieu cho bao hiem tien gui
Ảnh minh họa

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản.

Đây là một biện pháp phòng ngừa rủi ro được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp một ngân hàng mất khả năng chi trả.

Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa là 30 triệu đồng. Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng và được áp dụng cho tới thời điểm hiện tại.

cac nha bang viet dang chi bao nhieu cho bao hiem tien gui

Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 gồm ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, tổng mức chi phí bảo hiểm tiền gửi của 10 ngân hàng này trong năm 2016 là gần 2.142 tỷ đồng, tăng 34,73% so với năm 2015.

Chi phí bảo hiểm tiền gửi đang chiếm 3,64% tổng chi phí hoạt động của các ngân hàng, tăng so với mức 3,23% trong năm 2015.

Xét về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là ngân hàng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao nhất với gần 533 tỷ đồng trong năm, tăng 34,9% so với năm 2015. Nguyên nhân là đây là ngân hàng huy động được lượng tiền gửi lớn nhất, hơn 726.185 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016.

Với lượng tín dụng huy động tính đến cuối năm đạt 654.423 tỷ đồng, đứng thứ hai trong hệ thống, Vietinbank cũng là nhà băng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao thứ hai, với hơn 431 tỷ đồng.

Đứng thứ ba là ngân hàng Vietcombank, với chi phí bảo hiểm tiền gửi năm 2016 đạt gần 357 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2015.

Về tốc độ gia tăng chi phí bảo hiểm tiền gửi, Vietinbank đang là ngân hàng dẫn đầu với mức tăng tới 60,8%, đứng thứ hai là Sacombank, với mức tăng 47,5%, tương đương với mức chi 344,5 tỷ đồng trong năm 2016.

Chi phí bảo hiểm tiền gửi sẽ tiếp tục gia tăng?

Như đã nói ở trên, hiện chi phí bảo hiểm tiền gửi đang chiếm trung bình khoảng 3,64% tổng chi phí hoạt động của các ngân hàng. Và con số này của một số ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi số tiền bảo hiểm tối đa được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nâng lên mức 75 triệu đồng theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được công bố mới đây.

Nguyên nhân là khi hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được nâng lên, thì phí bảo hiểm tiền gửi của một số nhà băng cũng được kỳ vọng sẽ tăng.

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tăng hạn mức cũng đồng nghĩa với việc làm tăng rủi ro vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp có ngân hàng phá sản thực sự. Do đó, việc tăng cường “sức khoẻ” của các quỹ này cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Theo đó, chuyên gia đề xuất cần phải thay đổi việc đóng phí bảo hiểm của các ngân hàng. Theo đó, các nhà băng sẽ đóng phí bảo hiểm tuỳ vào mức độ rủi ro của mình.

“Tôi cho rằng ngân hàng nào tốt thì đóng thấp, ngân hàng nào yếu thì đóng nhiều chứ giờ vẫn cào bằng cả, anh nào cũng đóng giống nhau là không hợp lý”, TS. Hiếu nói.

Một vấn đề nữa, theo ông Hiếu, là công tác thanh tra giám sát ngân hàng phải được thay đổi, để từ đó có một chuẩn mực xếp hạng nhà băng và dựa vào đó sẽ đề xuất mức phí khác nhau.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, về lâu về dài, để quỹ bảo hiểm tiền gửi hoạt động hiệu quả và có một mức chi trả phù hợp hơn thì nên có sự tham gia của cả Nhà nước, tức là quỹ bảo hiểm tiền gửi sẽ nhận được một phần phí đóng góp của các tổ chức tài chính và một phần tiền từ Nhà nước.

Trần Thúy