Các công ty Trung Quốc chi 207 tỷ USD mua sắm toàn cầu
Hãng điện tử tiêu dùng Midea Trung Quốc. Ảnh: Nikkei |
Hồi tháng 5, hãng điện tử tiêu dùng Trung Quốc – Midea công bố kế hoạch trở thành cổ đông lớn nhất của Kuka – một trong những hãng sản xuất robot tiên tiến nhất tại Đức. Tuy nhiên, giới chức Đức và châu Âu đã ngay lập tức vào cuộc, phản đối kế hoạch này. Họ cho rằng công nghệ tự động hóa của Kuka cần tránh xa bàn tay của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, Midea đã giải quyết xong sự việc, nhờ tác động về mặt chính trị, cam kết giữ nguyên lao động, và sự ủng hộ của các khách hàng có ảnh hưởng lớn như CEO Daimler - Dieter Zetsche. Đến tháng 7, Midea đã có trong tay 86% cổ phần Kuka.
Ngày 24/10, HNA Group (Trung Quốc) cũng trở thành cổ đông thiểu số của Hilton Worldwide Holdings, khi mua số cổ phiếu trị giá 6,5 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn thứ 6 của một công ty Trung Quốc trong năm nay. Hiện tại, họ đã chi 207 tỷ USD để thâu tóm trên toàn cầu, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ban đầu, các công ty Trung Quốc mua lại hãng nước ngoài vì nhu cầu tìm nguyên liệu cho các ngành sản xuất. Trước năm 2013, hoạt động M&A của họ chỉ xoay quanh các mỏ quặng sắt ở Australia, công ty năng lượng ở Canada hay quặng đồng ở châu Phi. Hơn một nửa các thương vụ liên quan đến công ty năng lượng và hàng hoá.
Tuy nhiên, khi mô hình tăng trưởng kinh tế thay đổi, và khẩu vị của chính các công ty này khác đi, nhà đầu tư Trung Quốc chuyển sang săn lùng các thương hiệu và công nghệ có thể thúc đẩy tiêu dùng. Doanh nghiệp tư nhân đổ tiền mua lại những tài sản đẳng cấp, như các đội bóng Italy, hãng phim của Mỹ hay hãng thời trang cao cấp Pháp. Trong khi đó, công ty quốc doanh nhắm vào hãng sản xuất chip máy tính và công nghệ nông nghiệp.
Địa điểm đầu tư của họ cũng thay đổi. Từ năm 2010, họ bắt đầu tăng rót tiền vào khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu. Đắt giá nhất là thương vụ Tập đoàn Hóa chất ChinaChem mua hãng sản xuất thuốc trừ sâu Syngenta (Thụy Sĩ) với 43,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ M&A chóng mặt của Trung Quốc có thể bị chặn lại vì những nguyên nhân sau. Một là sự can thiệp của các Chính phủ phương Tây. Hai là sự nhúng tay của chính giới chức Trung Quốc, để ngăn nội tệ chảy ra nước ngoài hoặc các công ty lợi dụng M&A để đạt vốn hóa lớn khi tái niêm yết. Ba là ngân hàng siết tín dụng và cuối cùng là NDT trượt giá.
Ví dụ, Trung Quốc đã không mua được Western Digital với giá 3,8 tỷ USD và Fairchild Semiconductor ( 2,5 tỷ USD) vì Chính phủ Mỹ viện lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn. Kế hoạch mua lại Qihoo 360 Technology - một công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng thất bại vì quy trình kiểm soát dòng tiền của Chính phủ Trung Quốc.