Các công ty chứng khoán tiếp tục hưởng lợi gì sau khi báo lãi đậm 2017?
Điểm danh những doanh nghiệp xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất lịch sử |
Các công ty chứng khoán ghi nhận một năm lãi “đậm”
Năm 2017 chứng kiến sự thăng hoa mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã thiết lập đà tăng trưởng từ thời điểm đầu năm. Việc tăng tốc thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Mã: SAB), CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM), CTCP FPT (Mã: FPT)... đã đẩy thị giá các cổ phiếu này tăng vọt.
Nhóm cổ phiếu dầu khí như Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (Mã: GAS), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) tăng trung bình 80% trong vòng một năm.
2017 cũng là năm sôi nổi nhất của dòng vốn ngoại với giá trị ròng khoảng hơn 1 tỷ USD. Trong đó, dòng tiền được rót nhiều nhất vào nhóm ngành thực phẩm và đồ uống. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng tăng khoảng 60% so với năm 2016.
Nhờ đó, các công ty chứng khoán ghi nhận một năm kinh doanh khởi sắc. Hoạt động môi giới và tự doanh tiếp tục đóng góp lớn trong sự tăng trưởng mạnh của tổng doanh thu.
Nguồn: NH tổng hợp (Đvt: Tỷ đồng) |
Kết quả, Công ty Chứng khoán SSI đạt tổng doanh thu cao nhất, khoảng 2.989 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính chiếm 22%, khoảng 668 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư và một số hoạt động khác đạt hơn 90 tỷ đồng, tăng trưởng 55%, hoạt động đầu tư đạt gần 315 tỷ đồng.
Về doanh thu tự doanh, VPBS tiếp tục soán ngôi SSI khi đạt hơn 1.302 tỷ đồng. Đáng chú ý, TCBS cũng nằm trong top 3 với hơn 490 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ này. Bên cạnh đó, dịch vụ đầu tư cá nhân như trái phiếu doanh nghiệp Ibond và quỹ đầu tư Ifund cùng ghi nhận một năm tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm hơn 80% mảng kinh doanh của TCBS. Thị phần môi giới trái phiếu năm 2017 của công ty đạt tỷ lệ 82,3%.
Nguồn: NH tổng hợp |
Hoạt động dịch vụ mang về doanh thu khủng đã giúp các công ty chứng khoán thu lãi vượt kỳ vọng năm 2017. Đặc biệt, SHS là đơn vị báo lãi cao nhất kể từ khi thành lập, vượt 380 tỷ đồng. So với chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2017, SHS đã vượt 75% doanh thu và 278% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
2018 kỳ vọng từ các thương vụ IPO
Một năm qua, các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng góp chính vào mức tăng của VN-Index. Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng EPS của VN-Index đạt mức 19,6% song song với việc P/E của thị trường tăng 17%. Top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có mức tăng trung bình 73%, đóng góp 45% vào đà tăng cho chỉ số này.
Quy mô vốn hóa thị trường cũng thay đổi đáng kể. Tống vốn hóa của 3 sàn đạt hơn 70% GDP. Ngoài việc một số cổ phiếu vốn hóa lớn niêm yết năm 2017 tác động thì các cổ phiếu sẵn có vẫn giữ vai trò chủ yếu, đóng góp nhiều vào mức gia tăng vốn hóa. Một số cổ phiếu như VNM, VCB, SAB… có sự tăng trưởng vốn hóa đáng kể.
Cụ thể trên sàn HSX, 12,7% vốn hóa đến từ số mã niêm yết mới và 87,3% đến từ các mã đã có sẵn. Đáng chú ý, vốn hóa sàn Upcom tăng mạnh nhất, gấp 6 lần so với năm 2016 nhờ vào việc sàn này ghi nhận thêm 324 trường hợp niêm yết mới, rất chênh lệch so với con số 26 của sàn HSX và 17 của HNX. Nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn niêm yết trên UPCOM như HVN, ACV, LPB, VIB.
Theo kế hoạch thoái vốn được công bố, Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, và thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp (trong đó có khoảng 66 doanh nghiệp đang được giao dịch trên HSX, HNX và UPCoM) với nhiều tên tuổi nổi bật như VICEM, IDICO, TCT Lương thực miền Nam, TCT Phát điện 3. Tuy nhiên, tỷ lệ đã thực hiện là không cao do nhiều công ty có cấu trúc hoạt động và tài chính phức tạp, đòi hỏi mất nhiều thời gian cho việc định giá và soát xét.
Nghị định 126/2017/NĐ-CP liên quan đến IPO được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chiến lược (cắt giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 5 năm xuống 3 năm), đảm bảo thông tin được công khai, minh bạch hơn (trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom). Còn đối với thoái vốn, dự thảo sửa đổi Nghị định 91 nếu được thông qua kỳ vọng sẽ rút ngắn và đơn giản hơn quy trình thoái vốn (cắt giảm các bước chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn DNNN từ 3 bước, còn 2 bước).
Như vậy, cùng với sự thành công của các thương vụ IPO, thoái vốn, một lượng vốn đầu tư lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào thị trường trong năm 2018, hay nói cách khác, thanh khoản và mức vốn hóa thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các công ty chứng khoán có thể hưởng lợi từ điều này. Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ hiệu quả và minh bạch hơn cũng là những điểm sáng mà nhà đầu tư có thể trông chờ.