Cá tra - tôm thẻ chân trắng: Hai bức tranh tương phản ngành thủy sản 4 tháng đầu năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 373.400 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nông dân tăng thu hoạch do lo ngại giá tôm tiếp tục giảm.
Cá tra- tôm thẻ chân trắng: Hai bức tranh tương phản ngành thủy sản 4 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Giá cá tra tăng, khan hiếm cá giống kéo dài
Trong tháng 4/2018, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giữ ở mức ca. Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tháng 4/2018 trung bình 28.000 – 30.000 đồng/kg, có nơi 31.000 - 32.500 đồng/kg do nguồn cung chưa có dấu hiệu tăng trong khi nhu cầu vẫn cao. Tại tỉnh An Giang, giá cá tra nguyên liệu tuần đến ngày 26/4 tăng 900 - 2.500 đồng/kg so với cuối tháng trước. Việc giá cá tra nguyên liệu tăng đã kích thích nông dân mở rộng diện tích dẫn tới khan hiếm nguồn cung cá giống. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ tính riêng tháng 4, diện tích cá tra tăng tới 12,5% so với tháng 3 lên 2.886 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích cá tra đạt 3.050 ha tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn |
Hiện nay, giá cá tra giống ở ĐBSCL chạm đỉnh 10 năm lên 65.000 - 80.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù giá cao nhưng hiện vẫn không đủ cá giống để bán.
Nhiều năm qua, tình trạng cá tra giống mất cân đối cung- cầu thường xuyên diễn ra do nguồn cung khó đoán. Có lúc cá tra giống dư thừa, cá bột ương nuôi tới lớn 2 - 3 phân mà không có người mua. Bên cạnh đó, về yếu tố chất lượng con giống phụ thuộc rất lớn vào đàn cá bố mẹ.
Hồi cuối tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL ở mức 2,2-2,5 tỉ cá tra giống. Đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao với nhu cầu toàn vùng là 2,5-3 tỉ con giống.
Giá tôm thẻ chân trắng giảm, nông dân tranh thủ thu hoạch
Trái với giá cá tra, nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng chịu cảnh giá bấp bênh. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg tháng 4 giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg.
Trước tình cảnh này, nhiều hộ tăng cường thu hoạch do lo ngại giá tôm tiếp tục giảm. Đồng thời, tôm thẻ chân trắng năm nay phát triển rất chậm, giá biến động liên tục, người nuôi thu hoạch sớm, đa phần ở cỡ tôm 70-100 con/kg, để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới.
Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 119.800 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56.900 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 62.900 tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước đạt 46.700 tấn, tăng 1%. Trong khi đó, sản lượng tôm thẻ ước đạt 51.500 tấn, tăng tới 28 % so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành tôm hiện đang hội tụ nhiều thuận lợi như: các hiệp định thương mại tự do, đội ngũ doanh nhân, nhà khoa học, người nuôi tôm có kinh nghiệm, thời tiết thuận lợi… Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong sản xuất, như vấn đề cung ứng giống, việc truy xuất nguồn gốc, chế biến và phát triển thị trường, giá cả bấp bênh.
Theo Tổng cục Thủy sản, thực tế hiện nay, nguồn tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chất lượng không ổn định. Kỹ thuật ươm giống lớn chưa được phổ biến. Sản xuất còn manh mún. Môi trường, dịch bệnh còn tác động rất lớn trong quá trình nuôi; giá thành sản xuất cao; nguy cơ tồn dư hóa chất, kháng sinh.
Tổng cục nhận định, mặc dù nghề nuôi tôm cho năng suất cao, người nuôi có lãi, tuy nhiên giá cả còn bấp bênh. Để phát triển ổn định ngành tôm trong thời gian tới, ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhà nước cần quan tâm đến giá cả làm sao phải ổn định.