|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bức tranh xuất khẩu hàng hóa trực tuyến

21:46 | 16/12/2017
Chia sẻ
Mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với việc có một gian hàng/cửa hàng trên một trang thương mại điện tử có quy mô toàn cầu để trực tiếp bán cho khách hàng ở bất kỳ đâu trên thế giới đang được xem là con đường có chi phí thấp nhất để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
buc tranh xuat khau hang hoa truc tuyen Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, để tham gia vào thị trường được đánh giá là có giá trị hàng trăm tỉ đô la Mỹ này, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều.

buc tranh xuat khau hang hoa truc tuyen
Sản phẩm của một doanh nghiệp may Việt Nam được bán trên trang thương mại điện tử Amazon.

Chỉ mới bắt đầu

“100% cotton; bông vải chất lượng cao, thoải mái khi mặc, một lựa chọn tuyệt vời khi đi làm, đi tiệc...”, đây là những thông tin giới thiệu về sản phẩm áo sơ mi nam dài tay màu hồng của thương hiệu May 10 bán trên trang thương mại điện tử của Mỹ - Amazon.com. Chiếc áo được bán với giá 29 đô la Mỹ, một mức giá trung bình khá trong mặt bằng các sản phẩm cùng loại đang có trên trang này. Nhà sản xuất sản phẩm cũng được giới thiệu ngắn gọn: “May 10 là thương hiệu thời trang quốc tế với việc thiết kế và tạo ra các sản phẩm hiện đại, có nhà máy đầu tiên vào năm 1946...”. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần May 10 (Garco10), nhà sản xuất những chiếc áo sơ mi kể trên, đã triển khai bán hàng trên Amazon được sáu tháng. Lần lượt những chiếc áo trong lô hàng đầu tiên 2.000 cái đã được xuất đi từ Việt Nam để giao trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ, không qua bất kỳ nhà phân phối hay nhập khẩu nào như cách mà nhiều năm qua doanh nghiệp này vẫn làm. Giá bán, tất nhiên, cao hơn hẳn và nhất là, sản phẩm được gắn nhãn hiệu Garco10, xuất xứ tại Việt Nam.

Để có những sản phẩm xuất hiện trên Amazon, như chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Garco10, doanh nghiệp này đã phải chuẩn bị hơn một năm, từ nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, phương thức hợp tác với Amazon đến thiết kế và phát triển sản phẩm mới phù hợp, bố trí nhân sự phụ trách. “Chiến lược của chúng tôi là tạo ra sản phẩm có phong cách thiết kế hiện đại, cập nhật những xu hướng đang thịnh hành trên các sàn diễn thời trang, có chất lượng quốc tế nhưng giá Việt Nam. Chúng tôi xác định việc hợp tác thông qua kênh bán hàng trực tuyến Amazon là phương thức xây dựng thương hiệu nhanh nhất, phủ rộng và cắt giảm được nhiều chi phí trung gian nhất”, ông Việt chia sẻ.

Theo ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc May 10, để có những sản phẩm xuất hiện trên Amazon như hiện nay, doanh nghiệp này đã phải chuẩn bị hơn một năm, từ nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, phương thức hợp tác với Amazon đến thiết kế và phát triển sản phẩm mới phù hợp, bố trí nhân sự phụ trách.

May 10 hiện là một trong không nhiều nhà sản xuất Việt Nam đang bán hàng trên các trang thương mại điện tử có quy mô toàn cầu như Amazon, Alibaba mà được chính danh (tức được mang thương hiệu của mình). Trước May 10, sản phẩm Cao Sao Vàng, một loại dầu xoa bóp của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC đã được rao bán trên Amazon với giá 4,99 đô la Mỹ, đắt hơn rất nhiều lần so với giá bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, như chia sẻ của nhà sản xuất này trên một số báo hồi tháng 3-2017, việc bán trên Amazon do nhà phân phối tại nước ngoài thực hiện, không phải trực tiếp từ doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017 thì trong số các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tham gia khảo sát, có khoảng 11% tham gia sàn thương mại điện tử. Xu hướng này, trong các năm gần đây, đang dần phổ biến hơn do hiệu quả đem lại ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, cũng theo VECOM, dù chưa có số liệu tin cậy nhưng cũng có thể thấy sự mất cân bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Trong khi khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài rất nhiều thì khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam vẫn còn hạn chế. Có hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho tình hình này. Chẳng hạn, hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, trong khi hàng hóa từ Việt Nam lại ở trạng thái ngược lại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đầu tư đúng mức cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Đặc biệt, theo VECOM, các doanh nghiệp cũng chưa nhận được các biện pháp giúp đỡ, khuyến khích từ cơ quan chức năng để thúc đẩy và phát triển mô hình này.

Ông Đạt Phan, Giám đốc của sàn thương mại điện tử Fado.vn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu hàng từ Việt Nam đi thế giới, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thị trường qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới khi có sản phẩm độc đáo, có thế mạnh về nguồn gốc hữu cơ (organic)... Tuy nhiên, tiềm năng này đến nay vẫn chưa được khai thác do nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi đây là một phương thức xuất khẩu để đầu tư bài bản. Không chỉ vậy, các sản phẩm chưa được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế nên chưa đáp ứng được điều kiện khắt khe của người tiêu dùng nước ngoài.

Để vươn xa bằng thương mại điện tử xuyên biên giới

Ông Đạt Phan cho biết, điều chắc chắn là mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp so với cách xuất khẩu sản phẩm truyền thống (thường là nhà sản xuất xuất khẩu cho nhà nhập khẩu ngoài biên giới rồi hàng từ đây qua nhà phân phối sỉ, các nhà bán lẻ để đến với người tiêu dùng cuối cùng). Bởi lẽ, đường đi của hàng hóa được rút ngắn, bỏ bớt bốn nhà trung gian và thay bằng một trung gian khác là sàn thương mại điện tử (hàng từ nhà sản xuất, qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rồi đến thẳng tay người tiêu dùng cuối cùng). Chính vì vậy mà cơ hội đưa hàng ra nước ngoài dành cho mọi nhà sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn được đánh giá là ít tiềm lực tài chính, nhân lực.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, để tham gia và khai thác được lợi ích của mô hình này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải được chuẩn hóa để phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường toàn cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm tòi, cải tiến sản phẩm để theo kịp các xu hướng đang phát triển trên thế giới, xây dựng được nhận diện thương hiệu cùng với bao bì sản phẩm hấp dẫn.

Ông Thân Đức Việt thừa nhận, việc triển khai bán hàng trên Amazon với May 10 không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm các thông tin, dữ liệu về thị trường để nghiên cứu và thiết kế sản phẩm thời trang phù hợp. Kế đó là phải chuẩn bị, sắp xếp các hoạt động hậu cần trong chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm từ Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ trong thời gian nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất. “Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi với tư cách là người đã bắt đầu là muốn đi đến đích, doanh nghiệp phải lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng”, ông Việt nói.

Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho xuất khẩu trực tuyến qua mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển. Ở thời điểm hiện tại, cơ sở pháp lý của thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn trong giai đoạn dần hoàn thiện. Một tín hiệu vui là khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC đã được thông qua. Đây là cơ sở để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tập trung vào các nhiệm vụ như tăng cường xây dựng năng lực để các nền kinh tế APEC có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu; hài hòa khung pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới...

Tâm An