BOT Quốc lộ 3 vì sao vẫn chưa thể thu phí?
Dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới được đưa vào khai thác.
Đường cao tốc BOT Thái Nguyên - Chợ Mới dài 65km, có tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm triển khai thi công, dự án đã thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017 và được hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa được thu phí, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Đại diện chủ đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết, nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng khai thác nhưng chưa được thu phí, sẽ buộc phải tạm ngăn đường, dừng cho xe lưu thông.
Không thu được phí, mỗi tháng trả lãi 16 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4, đại diện liên danh nhà đầu tư, dự án đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và có khả năng lâm vào cảnh vỡ nợ khi chưa có nguồn thu, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy doanh nghiệp và quản lý bảo trì đường, trả lãi ngân hàng. Mỗi tháng chi phí dự án là hơn 16 tỷ đồng, đến nay là trên 120 tỷ đồng. Thực trạng này đang gây khó khăn cho DN...
Trạm thu phí Dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới vẫn chưa thể hoạt động do người dân phản ứng và nhà đầu tư đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
“Dù đã nhiều lần báo cáo tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn cũng như Bộ Giao thông Vận tải và có đơn khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ cho phép thu phí hoàn vốn dự án nhưng đến nay nhà đầu tư này vẫn chưa thể tiến hành thu phí,” ông Huỳnh nhấn mạnh.
Ông Huỳnh cũng nói rõ, việc chậm trễ thu phí sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án và có thể phải điều chỉnh kéo dài thời gian thu phí.
“Mỗi tháng chúng tôi phải trả 16 tỷ đồng tiền lãi vay thực hiện dự án. Đến nay số tiền trả lãi và chi phí vận hành khai thác, xử lý các điểm sụt lở đã gần 200 tỷ đồng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi buộc phải ngăn đường, tạm dừng khai thác vì không thể kham nổi chi phí vận hành và lãi vay”, ông Huỳnh nói.
Địa phương “bẻ kèo”
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ GTVT mới đây đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên về phương án giảm giá dịch vụ và triển khai thu giá dịch vụ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 – Km100.
Tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 5317/UBND-CNN gửi Bộ GTVT trả lời về triển khai thu giá dịch vụ đường bộ QL3. Theo đó tỉnh này "bẻ kèo" , kiến nghị xóa bỏ trạm thu phí trên tuyến QL3 cũ.
Ngày 23/11 vừa qua UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 5317/UBND-CNN gửi Bộ GTVT trả lời về triển khai thu giá dịch vụ đường bộ QL3.
Tại văn bản này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc thừa nhận dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng nhà đầu tư dự án chưa thực hiện được vỉệc thu giá sử đụng dịch vụ đường bộ.
Lý do là dư luận người dân các địa bàn Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và một số từ các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... phản đối việc đầu tư trên đường cũ để thu phí (kể cả việc có giảm phí cho một số đối tượng), do người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.
Ông Phạm Minh Đức, giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên Chợ Mới cho biết, mỗi tháng chúng tôi phải trả 16 tỷ đồng tiền lãi vay thực hiện dự án. Đến nay số tiền trả lãi và chi phí vận hành khai thác, xử lý các điểm sụt lở đã gần 200 tỷ đồng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi buộc phải ngăn đường, tạm dừng khai thác vì không thể kham nổi chi phí vận hành và lãi vay.
“Việc làm này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, nguy cơ phá sản của nhà đầu tư. Đặc biệt, người dân đề nghị tỉnh Thái Nguyên có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Km77+922,5 Quốc lộ 3),” ông Đức cho hay.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, đặt trạm thu giá địch vụ sử dựng đường bộ trên đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và đường Thái Nguyên-Chợ Mới (hoặc có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách Trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên Quốc lộ 3 cũ); kéo dài thời gian thu giá, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư và tránh bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên được đầu tư bằng vốn ODA và ngân sách Nhà nước nên không thể đặt trạm thu phí. Do đó, nhà đầu tư BOT Thái Nguyên-Chợ Mới kiên quyết đề nghị được thu giá đường bộ tại trạm phí Bờ Đậu, tuân thủ theo đúng hợp đồng BOT ký kết dựa trên thống nhất của liên Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính và tỉnh Thái Nguyên.
Đóng đường, ngừng khai thác
Cần phải nhấn mạnh, giữa tháng Chín vừa qua, nhà đầu tư đã có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo có giải pháp thực hiện triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã mời Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, nhà đầu tư họp để thống nhất, tuy nhiên không có kết quả. Bộ GTVT tiếp tục có đề nghị tỉnh Thái Nguyên có văn bản chính thức gửi Bộ về phương án giảm giá đường bộ cho người dân trước ngày 25/11.
Từ ngày có QL3 mới, thời gian đi từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn và ngược lại được rút ngắn đáng kể.
Ngày 27/11 vừa qua, nhà đầu tư BOT Thái Nguyên-Chợ Mới lại có đơn khẩn cứu Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Thái Nguyên để doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đã có văn bản số 13116/LD-ĐT ngày 8/11/2017 gửi Bộ Giao thông Vận tải đồng thời gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn về thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng BOT.
Văn bản này đề nghị đóng đường, tạm thời ngừng vận hành khai thác dự án trong khi chờ được tổ chức thu giá dịch vụ hoàn vốn do không đủ kinh phí để chi trả cho đơn vị quản lý và bảo trì tuyến đường./.
Khi bắt đầu triển khai, dự án cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới nhận được sự ủng hộ và thống nhất toàn diện của UBND tỉnh Thái Nguyên và đáng lẽ dự án phải cho thu giá hoàn vốn từ lâu. Tuy nhiên, sau những “lùm xùm”, đến phút cuối, tỉnh Thái Nguyên “bẻ kèo”, đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, “đi không được, ở không xong”.