|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bơm ngân sách xử lý nợ xấu: Tiền ở đâu, đem cứu ai?

07:30 | 18/09/2016
Chia sẻ
Phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu được giới chuyên gia am hiểu ngân hàng ủng hộ. Thế nhưng, rất nhiều câu hỏi đang đặt ra với phương án này.

Cứu ai, tiền đâu cứu?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thiếu cả tiền tươi lẫn cơ chế, nỗ lực xử lý nợ xấu bằng tờ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thời gian qua là không hiệu quả.

“Phải mua đứt bán đoạn, nợ xấu mới được xử lý hiệu quả. Với cách mua nợ bằng tờ giấy như vừa qua, VAMC chỉ giống như một bãi đáp tạm thời cho nợ xấu. Trong khi đó, xử lý triệt để nợ xấu nằm ngoài khả năng của các ngân hàng. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án Chính phủ dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, hiện Chính phủ là người có khả năng duy nhất giải quyết được nợ xấu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

tin nhap 20160918072718

Để xử lý nợ xấu, ngoài tiền thì phải có hành lang pháp lý thông thoáng về mua bán nợ. Ảnh: Đức Thanh

Theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải dùng thêm ngân sách, bởi có tiền tươi thóc thật, thì VAMC mới có thể mua bán nợ theo cơ chế thị trường.

Hiện tại, VAMC đã được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, song theo ước tính, VAMC sẽ cần ít nhất 5.000 - 10.000 tỷ đồng làm vốn mồi để có thể kích hoạt thị trường mua bán nợ hoạt động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng ủng hộ phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là trách nhiệm của ngân hàng. Thế nhưng, nếu không cấp bách xử lý, nợ xấu đang và sẽ kéo cả nền kinh tế đi xuống. Vì lẽ đó, sử dụng ngân sách cứu nợ xấu là hợp lý, song có 3 câu hỏi đặt ra: Ngân sách sẽ chi bao nhiêu, nguồn ở đâu, sử dụng như thế nào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu, trong bối cảnh Việt Nam không phải là nên hay không nên, mà là khả thi hay không khả thi. “Lúc đầu chúng tôi cũng đề nghị tìm kiếm nguồn ngân sách để xử lý nợ xấu. Nhưng khi thực tế là ngân sách nhà nước rất khó khăn, các khoản dự trữ cũng rất ít. Cho nên, lấy ngân sách xử lý nợ xấu là giải pháp không thực tế ở Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Ý kiến lạc quan hơn thì cho rằng, nguồn ngân sách xử lý nợ xấu vẫn có thể xoay xở như: lấy từ thoái vốn nhà nước khỏi các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, vay từ nước ngoài… Ngoài ra, ngân hàng và doanh nghiệp cũng phải chấp nhận chịu lỗ khi xử lý nợ xấu.

Vấn đề khó nhất, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, là làm sao sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, minh bạch, công bằng.

“Xử lý nợ xấu bằng ngân sách phải trên nguyên tắc công bằng, minh bạch thì mới được Quốc hội thông qua, dư luận đồng tình. Trước hết, để xử lý nợ xấu, Chính phủ cần phải làm rõ nợ xấu hiện nay nằm chủ yếu ở đối tượng nào, lĩnh vực nào, nguyên nhân ra sao. Từ đó có kế hoạch chi số tiền cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tùy theo lĩnh vực ưu tiên”.

Theo chuyên gia này, hiện nợ xấu lớn nhất nằm ở DNNN (có thể lên tới 60-70% tổng lượng nợ xấu), tiếp theo là nợ của khu vực lợi ích nhóm và của khối doanh nghiệp tư nhân.Trong nhóm này nên ưu tiên xử lý nợ cho các doanh nghiệp đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có khả năng phục hồi, dựa trên tiêu chí ro ràng. Ưu tiên thứ hai là giải cứu nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo và các DN tư nhân có khả năng phục hồi.

Có tiền tươi, nợ xấu vẫn kẹt?

Thực tế, không phải ngân sách chưa từng bỏ ra để xử lý nợ xấu. Cụ thể, VAMC đã được cấp 2.000 tỷ đồng để mua nợ theo giá thị trường. Ngoài ra, việc NHNN mua lại 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng cũng tốn không ít tiền ngân sách, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Mặt tích cực của giải pháp xử lý nợ xấu bằng ngân sách là dọn nợ nhanh, giúp dòng vốn được đổ vào nền kinh tế. Ngoài ra, việc có luồng tiền thật bơm vào để mua nợ xấu sẽ giúp thị trường nợ được hình thành và phát triển sôi động.

Tuy nhiên, không phải cứ bơm tiền tươi là nợ xấu được dọn sạch. Thực tế, thời gian qua, dù đã có 2.000 tỷ đồng, song VAMC vẫn chưa thể mua nợ theo giá thị trường vì sờ vào đâu cũng thấy vướng. Nhiều tổ chức tín dụng muốn bán nợ theo giá trường cho VAMC nhưng lại sợ bị quy trách nhiệm hình sự vì bán nợ thấp hơn giá gốc. Ngay cả VAMC cũng sợ trách nhiệm khi lỡ mua nợ theo giá thị trường rồi bán lại bị lỗ, khi phương thức định giá khoản nợ chưa rõ ràng và chưa có quy định về trường hợp mua bán nợ dưới giá gốc, nhất là các khoản nợ liên quan đến vốn nhà nước. Ngoài ra, với cơ chế hiện hành về bán tài sản đảm bảo như hiện nay, dù có mua, bán với giá hời, cả VAMC và các ngân hàng vẫn rất khó thanh lý tài sản vì núi thủ tục nhiêu khê, quyền con nợ cao hơn quyền chủ nợ.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam để xử lý nợ xấu không phải là tiền mà là cơ chế. Nguồn lực này hoàn toàn khả thi, nhưng lại được triển khai rất chậm, khiến quá trình xử lý nợ xấu chậm theo. Cơ chế ở đây có thể hiểu là cho phép VAMC và các ngân hàng được bán tài sản đảm bảo thông thoáng. Đồng thời, thủ tục đấu thầu, mua bán nợ được đơn giản hóa, giúp nợ xấu trở thành một loại hàng hóa dễ giao dịch.

Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nhiều khoản nợ bán cho VAMC đã được ngân hàng trích lập 20-30%. Nếu thủ tục pháp lý thông thoáng, cộng thêm “tiền tươi” từ ngân sách, thì VAMC hoàn toàn có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, quan trọng hơn là giúp hình thành thị trường nợ. Một khi các khoản nợ được mua bán thành công, số tiền VAMC lấy từ ngân sách có thể được trả lại. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần nhanh chóng có hành lang pháp lý thông thoáng về mua bán nợ, gỡ bỏ nỗi lo về trách nhiệm hình sự. Đồng thời, nếu sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, cần đưa ra những quy định, tiêu chí hết sức minh bạch và công bằng.

Theo Hà Tâm

Đầu tư