|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Tư pháp đề xuất bỏ gần một nửa điều kiện kinh doanh

20:43 | 26/03/2018
Chia sẻ
Trước đề xuất này, Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, những vấn đề nào thị trường có thể điều chỉnh thì Nhà nước không cần can thiệp.

Ngày 26/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp.

.Quyết không để nợ đọng, lùi nhiệm vụ

Tại buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác chuyển lời của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp hết sức quan tâm một số nhiệm vụ như công tác đào tạo cán bộ kế cận; công tác thi hành án dân sự, nhiệm vụ được giao trong các vụ kiện, tranh chấp quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước; kiểm soát tốt hơn chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia củng cố hệ thống tư pháp địa phương; công tác giáo dục pháp luật; công tác quản lý Nhà nước về luật sư.

bo tu phap de xuat bo gan mot nua dieu kien kinh doanh
(Ảnh minh họa)

Đồng thời, Tổ công tác đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, cương quyết bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, không phù hợp, chung chung, không cụ thể hóa… gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Thành Long và đại diện các đơn vị của Bộ Tư pháp đã báo cáo, làm rõ về các vấn đề mà Thủ tướng lưu ý và Tổ công tác đặt ra.

.

Từ đầu năm 2017 tới 15/3/2018, Bộ Tư pháp được giao 434 nhiệm vụ. Kết quả đã hoàn thành 378 nhiệm vụ đúng hạn, hoàn thành 7 nhiệm vụ quá hạn, 56 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện trong hạn. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2018, Bộ đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao, không có nhiệm vụ chậm trễ.

.

Bộ khẳng định đối với các nhiệm vụ đang thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, kiên quyết không để nợ đọng, xin lùi, rút.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định với 18 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 5 điều ước quốc tế. Cũng trong quý I, Bộ đã phát hiện và kết luận kiểm tra với 20 văn bản trái luật về nội dung.

Đồng thời, chủ động tích cực thi hành các vụ việc thi hành án dân sự… Trong năm 2017, số tiền thi hành đạt xong đạt hơn 35.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật bước đầu có đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin…

Cần tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh

Một trong những vấn đề nổi lên tại buổi kiểm tra là các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có 7 ngành, nghề là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, với 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo rất sát sao, rà soát và đã dự kiến cắt giảm 43 trên 98 điều kiện.

“Đề nghị tiếp tục rà soát, những gì chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì bỏ, cương quyết như thế. Các hiệp hội ngành hàng có nêu những ví dụ về một số tiêu chí không định lượng được: Có sức khỏe tốt, phẩm chất tốt để bảo đảm hành nghề luật sư, hành nghề công chứng… Thế nào là tốt, trong khi chúng ta đã có phân loại sức khỏe cụ thể rồi, nhưng quy định chung chung thế này thì doanh nghiệp rất khó làm việc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng nếu tiếp tục rà soát sâu rộng hơn thì có thể cắt giảm tới 60% điều kiện kinh doanh hiện hành, thay vì 44% điều kiện kinh doanh được đề xuất bãi bỏ.

“Ví dụ, với hoạt động trọng tài thương mại, không cần bất kỳ điều kiện gì với trọng tài viên. Vì khi hai bên tranh chấp lựa chọn một người làm trọng tài, thì họ sẽ không bao giờ lựa chọn người không tốt nghiệp đại học, không có trình độ, vì lợi ích của chính họ”, ông Hiếu nói.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì góp ý rằng nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp không phải là ngành nghề kinh doanh, như hoạt động trọng tài thương mại là hoạt động phi lợi nhuận.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đồng ý với ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng rằng nhiều ngành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, quản tài viên, thừa phát lại hay trung tâm trọng tài không hẳn là ngành nghề kinh doanh. “Chúng tôi xin chia sẻ và tiếp tục ghi nhận để có những tham mưu trong thời gian tới, rất mong các cơ quan khác cũng nhìn nhận đây không phải là những ngành kinh doanh đơn thuần”, bà Yến nói.

Bà Yến cũng cho biết Cục đã đề nghị bãi bỏ nhiều điều kiện như “phải có sức khỏe tốt” để hành nghề luật sư và sẽ tiếp tục rà soát để tiếp tục cụ thể hóa các quy định hiện đang chung chung, không rõ ràng… hoặc bãi bỏ.

Tập trung xây dựng 125 văn bản hướng dẫn từ 1/7

Làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh tinh thần tiếp tục cải cách. “Những điều kiện kinh doanh hạn chế việc gia nhập thị trường thì phải bỏ bớt, như yêu cầu phải có kho lưu trữ bao nhiêu mét vuông. Rồi yêu cầu về giấy tờ, nếu các bộ ngành đã nắm rồi thì đừng bắt người dân cung cấp nữa”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cần phải có những quy định về điều kiện hành nghề chuyên môn, nghiệp vụ, như luật sư phải đáp ứng về số năm kinh nghiệm, đạo đức…

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tập trung hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc kiểm tra là nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ, đồng thời phát hiện các vướng mắc để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Qua kiểm tra, Tổ công tác ghi nhận Bộ Tư pháp không còn bất cứ nhiệm vụ chậm trễ, quá hạn nào. Đây là đơn vị đầu tiên trong số các đơn vị được kiểm tra gần đây không có nhiệm vụ nào chậm trễ.

Tổ công tác lưu ý Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với VPCP trong việc rà soát, đôn đốc việc xây dựng 125 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7 tới đây, với quyết tâm không để nợ đọng văn bản. Tinh thần là VPCP sẽ phân công cán bộ làm việc tới từng bộ, theo dõi tiến độ từng tuần, VPCP sẽ đảm nhận nhiệm vụ tăng cường điều phối, xử lý các vướng mắc.

Riêng về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đồng tình với ý kiến cho rằng Bộ cần tiếp tục rà soát, ngoài các quy định chung chung, không rõ ràng, cần loại bỏ cả các điều kiện kinh doanh không cần thiết, những vấn đề nào thị trường có thể điều chỉnh thì Nhà nước không cần can thiệp.

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, nhưng không vì lý do đó mà đưa ra những rào cản hữu hình, vô hình. Phải cắt giảm thực sự”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị, Bộ chủ động báo cáo Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan, còn với các luật thì báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi.

Bộ trưởng nhắc lại quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2018, theo đó thì việc cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh chính là dư địa của tăng trưởng.

“Bộ Tư pháp không chỉ có các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình, mà với tất cả các thủ tục, rào cản, chồng chéo, gây khó khăn… trong tất cả các ngành, lĩnh vực thì Bộ cũng cần có cái nhìn tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng”, Bộ trưởng đề nghị.

Hà Chính

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.