Bộ trưởng KH-ĐT nói gì về nguồn vốn cho sân bay Long Thành, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng?
Nguồn vốn để GPMB sân bay Long Thành, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ trình QH bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn. |
Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong việc huy động vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia
Trong báo cáo nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi các đại biểu Quốc hội đã đề cập tới trách nhiệm của Bộ này trong việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…
Về dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư (TMĐT) là 114.450 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2014). Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua và dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào năm 2019.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước.
Về nguồn vốn thực hiện dự án độc lập giải phóng mặt bằng (GPMB) sân bay Long Thành, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, dự kiến nhu cầu để giải phóng mặt bằng, tái định cư theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2017). Tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016, Quốc hội đã cho phép sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác GPMB.
Đối với số vốn còn thiếu khoảng 18.019 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để tiếp tục triển khai thực hiện.
Đối với một số dự án quan trọng cấp bách khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện vẫn chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư. Nguyên nhân Bộ trưởng Dũng đưa ra đó là do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội cho phép.
Các dự án quan trọng cấp bách chưa cân đối được nguồn vốn được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kể ra như: Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho công tác GPMB); Dự án nâng cấp mở rộng QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13. Ngoài ra còn có các dự án BT phải thanh toán từ ngân sách Trung ương như: Dự án đường HCM đoạn La Sơn – Túy Loan; Dự án nâng cấp mở rộng QL20 – Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2; Dự án ĐTXD ngã ba Huế…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp huy động vốn: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu Chính phủ để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết như Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
"Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Phương án đầu tư cụ thể Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam
Trong báo cáo nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết về các phương án, giai đoạn đầu tư cụ thể của Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, ngày 30/5/2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 244/TTr-CP trình Quốc hội về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Theo đó, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông dự kiến đầu tư 1.372km trong giai đoạn từ năm 2017 đến sau 2025 với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 312.435 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VnExpress. |
Trong đó, giai đoạn I của dự án từ năm 2017 đến 2025 được đầu tư theo 02 mức ưu tiên.
Mức ưu tiên 1 (từ năm 2017 đến năm 2020) đầu tư 713km từ 11 dự án thành phần, gồm 08 dự án đầu tư theo hình thức PPP (các đoạn từ Mai Sơn - Bãi Vọt và đoạn Nha Trang - Dầu Giây); 03 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công (mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn lên 04 làn xe; Cao Bồ - Mai Sơn; La Sơn - Túy Loan) với TMĐT khoảng 130.216 tỷ đồng;
Mức ưu tiên tiếp theo (từ năm 2021 đến năm 2025) đầu tư khoảng 659km chia thành 09 dự án thành phần từ Bãi Vọt - Cam Lộ và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang theo hình thức PPP, TMĐT khoảng 113.096 tỷ đồng.
Giai đoạn II của dự án (từ sau năm 2025 trở đi) sẽ đầu tư mở rộng theo quy mô quy hoạch, TMĐT khoảng 69.123 tỷ đồng.
Về lý do lựa chọn phương án đầu tư như trên, dựa trên cơ sở nhu cầu vận tải tính toán cụ thể cho từng đoạn tuyến, trên cơ sở cân đối nguồn thu từ ngân sách Trung ương. Phương án này đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/