Bộ trưởng Công Thương: Vụ việc Khaisilk gây 'tổn hại giá trị thương hiệu Việt'
Hành vi bán hàng Việt nhưng nguồn gốc "made in China" của Khaisilk sẽ được xem xét, xử lý nghiêm sau khi có kết luận điều tra.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 27/10 liên quan tới việc thương hiệu Khaisilk bán khăn lụa "made in China" nhưng gắn mác "made in Vietnam", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nền tảng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
- Quan điểm của Bộ trưởng về vụ việc của Khaisilk thế nào?
- Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp. Ở đây thể hiện sự không tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, thiếu trung thực trong kinh doanh, sản xuất. Điều này đã làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt.
Vì vậy, các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và của Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng hành vi bán lụa Việt gắn mác Trung Quốc của Khaisilk đã ảnh hưởng tới lòng tin người tiêu dùng, giá trị thương hiệu Việt. |
Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở đảm bảo hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, người tiêu dùng...
- Việc Khaisilk quảng bá bán lụa Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào với thương hiệu của quốc gia, thưa ông?
- Thương hiệu quốc gia có phạm trù tương đối rộng và trên nền tảng của các thương hiệu của các ngành kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm, thậm chí là địa phương.
Giá trị thương hiệu quốc gia cũng phải xây dựng dựa trên nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thị trường. Theo tôi, người tiêu dùng mới quyết định được những sự phát triển của doanh nghiệp, các sản phẩm, ngành hàng cũng như của các giá trị thương hiệu.
Thông qua sự việc của Khaisilk chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.
- Vậy vai trò của cơ quan quản lý ở đâu khi tình trạng này diễn ra nhiều năm nay?
- Đây là thực trạng chúng tôi không che giấu và là vấn đề đối với hệ thống của chúng ta chứ không chỉ một cơ quan quản lý Nhà nước nào cả. Tất nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước như quản lý thị trường cũng có trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nói rộng ra để thấy đang tồn tại một thực trạng là ý thức, hiểu biết pháp luật và cả luật pháp quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và cả vấn đề cụ thể hơn liên quan đến xuất xứ hàng hóa ở ta còn rất yếu.
Thậm chí, trong chừng mực hành vi tiêu dùng của chúng ta còn có tính cách nương nhẹ, không dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là yêu cầu đặt ra của Việt Nam trong quá trình hội nhập khi các cam kết hội nhập quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại tự do, điều ước quốc tế chúng ta tham gia đều hàm chứa điều này và đòi hỏi trước tiên những cải cách thể chế để đáp ứng điều đó.
Thứ hai là những biện pháp, giải pháp tăng cường nhận thức chung của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về điều này.
Trường hợp cụ thể này sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân của nó thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là của Bộ Công Thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó.
- Sau sự việc này, cơ quan quản lý có kiểm tra, rà soát lại các cơ sở kinh doanh, sản xuất trà trộn giữa hàng giả, thật đang tồn tại?
- Như tôi đã nói, có lẽ chúng ta kết luận điều gì cũng là sớm khi chưa có nghiên cứu, xác định làm rõ tính chất, mức độ vi phạm pháp luật cũng như những hiện tượng, hoạt động chưa được đánh giá làm rõ.
Vì vậy, chúng tôi đang tập trung để từ việc này sẽ tiếp tục làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn không chỉ ở một làng nghề, địa phương mà còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngành, khuôn khổ cơ chế chính sách, pháp luật, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đây là dịp tốt để chúng ta cùng với các cơ quan chức năng, tương tác truyền thông để nhìn nhận thấu đáo hơn, nhưng phải có vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Cuối cùng, phải thể hiện bằng những chính sách mới đảm bảo tính toàn diện, khả thi, đồng bộ, hiệu quả để đảm bảo quản lý xã hội để phát triển kinh tế xã hội, hội nhập sâu rộng.
Tôi khẳng định, Bộ Công Thương đang tiếp tục xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp.
Loạt bất động sản triệu USD của ông chủ Khải Silk
Ông chủ thương hiệu Khải Silk vừa bị tố bán khăn "made in China" sở hữu khối tài sản khủng có giá trị lên đến ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/