|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ các vấn đề về BOT

21:44 | 18/01/2018
Chia sẻ
Tối 18/1, Bộ GTVT đã có buổi họp báo làm rõ các vấn đề liên quan đến những bức xúc của người dân quanh các dự án BOT thời gian vừa qua.
bo truong bo gtvt lam ro cac van de ve bot Đường bị hư hỏng, Tổng cục Đường bộ sẽ dừng thu phí dự án BOT
bo truong bo gtvt lam ro cac van de ve bot TP HCM: Tạm ngưng 2 dự án BOT giao thông
bo truong bo gtvt lam ro cac van de ve bot
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này cần khẳng định BOT là chủ trương đúng đắn và chắc chắn phải tiếp tục làm để phát triển giao thông.

Tuy nhiên, việc triển khai thời gian vừa qua có 2 giai đoạn.

"Ở giai đoạn trước Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/10/2017, các dự án BOT được thực hiện dựa vào Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Các văn bản này đều cho phép làm BOT trên đường hiện hữu. Vì lúc đó đường hẹp, khó khăn mà chúng ta muốn đột phá trong phát triển kinh tế thì chủ trương đó rất đúng. Bộ GTVT đã bám chủ trương này để thực hiện. Sau đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì hạ tầng Việt Nam có đột phá rất lớn", Bộ trưởng nói.

Giai đoạn gần đây, các dự án BOT bị phản ánh nhiều. Một số tài xế, bà con nhân dân có những ý kiến phản ứng chưa hợp lý. Ngay sau khi xảy ra việc này, năm 2016, Bộ GTVT đã sơ kết 5 năm thực hiện BOT để tổng hợp lại những việc đang làm và sẽ làm, đặc biệt những hạn chế yếu kém để khắc phục.

"Sau khi tổng kết, Bộ GTVT nhận thấy tình hình các trạm BOT đang trải đều cả nước, có những nơi mật độ cao, ảnh hưởng đến sức chịu đựng của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, từ tháng 5/2016, Bộ GTVT đã có chủ trương không làm thêm các dự án BOT trên các quốc lộ hiện hữu. Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện chủ trương chỉ làm BOT trên các tuyến song hành", Bộ trưởng cho hay.

Liên quan đến phản ứng của người dân với một số dự án BOT hiện nay, lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, đó là những phản ứng "tất yếu". Bởi, khi triển khai đồng loạt trong 4-5 năm đến lúc mấy chục trạm thu phí cùng hoạt động, người dân phải dân trả phí nhiều sẽ có ý kiến.

Theo đó, các điểm "nóng" của BOT từ BOT Cầu Bến Thuỷ (Nghệ An) sau đó lan rộng ra các trạm phía Bắc nhưng Bộ GTVT đã thực hiện các giải pháp giảm giá, giảm phí, giải quyết các bức xúc của bà con thì hiện khu vực phía Bắc nhìn chung có sự ổn định.

Nói rõ hơn về dự án BOT Cai Lậy, Bộ trưởng cho biết, ngay khi gặp vấn đề, Bộ GTVT đã khẩn trương nghiên cứu đề xuất các giải pháp. Sau thời gian đề xuất xin chủ trương, đến cuối tháng 11/2017, Bộ GTVT đồng ý cho thu giá lại nhưng gần đây phải ngừng do có nhiều sự phản ứng tại BOT Cai Lậy. Nguyên nhân là do "làm tuyến tránh thì thu trên tuyến tránh, người dân mong muốn chuyển trạm BOT về tuyến tránh".

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các dự án nâng cấp quốc lộ phải dùng Ngân sách Nhà nước, không thể dùng Quỹ bảo trì đường bộ vì quỹ này còn đang hạn chế so với yêu cầu. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 1 đi qua thị xã Cai Lậy đang hư hỏng nghiêm trọng cần được nâng cấp, xử lý lún, thảm thêm theo hồ sơ thiết kế đã triển khai, chiều dài tuyến 26 km. Do đó, sau khi nghiên cứu nhiều phương án đã có đề xuất đặt 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và trên tuyến tránh. Mức thu trên Quốc lộ 1 sẽ ít hơn do đầu tư ít (10.000 -15.000 đồng), còn tuyến tránh thu nhiều hơn (25.000 - 30.000 đồng) do chi phí đầu tư nhiều.

"Tuy nhiên, gần đây nhiều dự án bình thường nằm trên các Quốc lộ vẫn "nóng" như các trạm ở Bình Thuận, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Cần Thơ. Bản chất khác hoàn toàn với BOT Cai Lậy. Nguyên nhân do có hiện tượng một số xe, cá nhân, tổ chức bằng nhiều hình thức hoặc trực tiếp đi xe đến trạm thu phí đi thành đoàn, mỗi lần đi qua trạm đều có camera quay lại toàn bộ gây khó khăn cho việc thu phí", Bộ trưởng cho hay.

Trước tình hình trên, sáng nay (18/1), Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp về tình hình BOT với tinh thần chỉ đạo: BOT là chủ trương đúng, sắp tới vẫn làm, ai làm sai phải chịu trách nhiệm.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ cùng các đơn vị liên quan phân loại ở các trạm BOT "nóng" để phân tích nguyên nhân. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn cho các trạm thu phí, tạo môi trường đầu tư để thu hút vốn cho cao tốc Bắc- Nam.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát để giảm phí. Hiện nay, 51/56 trạm thu phí Bộ GTVT đang quản lý đã rà soát giảm giá theo 2 hình thức: giảm giá cho toàn bộ các xe các phương tiện qua trạm và giảm 50-100% phí cho người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp đi lại nhiều ở khu vực quanh trạm .

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác quyết toán, dự án nào không quyết toán kịp thời sẽ không cho thu phí. Hiện, công tác thanh tra kiểm tra các trạm BOT đang có khoảng 107 đoàn thanh tra từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo không có tham nhũng, không có lợi ích kinh tế, cá nhân nào lợi dụng chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý.

Năm 2018, toàn bộ các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động. Đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước cũng thu phí tự động để người dân giám sát chặt chẽ.

Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các hành vi manh động, bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại các trạm BOT.

Phan Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.