Bộ Tài chính bác đề xuất giảm thuế cho ngành than
Tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, bác bỏ đề xuất giảm thuế cho ngành than để tháo gỡ khó khăn.
Trước đó, TKV đã có văn bản đề nghị giảm thuế tài nguyên cho hai mặt hàng than với mức thuế là 10% và 12% xuống mức thấp hơn. Cụ thể TKV đề nghị thuế tài nguyên đối với than hầm lò là 5% và với than lộ thiên là 7%, không tính phí môi trường trong quá trình khai thác.
Hiện nay, giá thành sản xuất than trong nước cao, trong đó thuế phí chiếm 15% tổng giá thành mỗi tấn than. Do than nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% nên giá than nhập thấp hơn giá thành than sản xuất bán cho các hộ tiêu thụ trong nước. Nhiều hộ tiêu thụ lớn như các nhà máy sản xuất nhiệt điện than, thép... đã mua than nhập thay vì mua than trong nước, dẫn đến tồn kho của ngành than tăng cao.
Trả lời về kiến nghị này, Bộ Tài chính nói rằng, thẩm quyền sửa đổi mức thuế thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, nghị quyết về thuế tài nguyên mới được sửa từ năm 2015 nên cần có thời gian xem xét, đánh giá. Việc này rất khó thực hiện trong lúc nguồn thu ngân sách khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, cách tốt nhất là TKV nên kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất lên Chính phủ cho phép tăng sản lượng xuất khẩu để có thêm doanh thu và lợi nhuận.
Theo kế hoạch xuất khẩu đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2017 đến năm 2019, sẽ cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn than, nhằm cân đối nguồn cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khi đi vào vận hành. Nhưng ngay tại thời điểm này, các hộ hiện đang tiêu thụ lượng than lớn đã nhập than từ Úc, Nga, Indonesia, Trung Quốc với giá rẻ hơn khiến lượng than tồn kho trong nước 9 tháng đầu năm nay khoảng 9,7 triệu tấn, tương đương với lượng than nhập từ nước ngoài về.
Bộ Tài chính gợi ý TKV nên đề xuất lên Chính phủ tăng kế hoạch xuất khẩu than 3 năm tới, từ 2 triệu tấn lên 3- 4 triệu tấn để giảm tồn kho và tăng doanh thu.
Theo Lan Nhi