|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ GTVT và Đà Nẵng 'vênh' quan điểm về xây cảng Liên Chiểu

07:43 | 16/02/2017
Chia sẻ
Đó là ghi nhận tại cuộc họp của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng sáng 15/2, nghe Tư vấn Nhật Bản trình bày lần cuối báo cáo rà soát và bổ sung nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu nhằm đánh giá tính khả thi của dự án để đưa vào giai đoạn thực hiện!

Sáng 15/2, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan nghe Công ty Tư vấn Cảng Nhật Bản trình bày lần cuối báo cáo rà soát và bổ sung nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu do Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng – đường thủy (Tediport – Bộ GTVT) thực hiện, nhằm đánh giá tính khả thi của dự án để đưa vào giai đoạn thực hiện.

bo gtvt va da nang venh quan diem ve xay cang lien chieu
Ông Koichiro Harada, Trưởng đoàn Tư vấn Nhật Bản trình bày lần cuối báo cáo rà soát và bổ sung nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu (Ảnh: HC)

Ông Koichiro Harada, Trưởng đoàn Tư vấn Nhật Bản cho hay, ngày 13/2, đoàn đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Hai cơ quan này đều nhất trí với dự án xây dựng cảng Liên Chiểu để giải quyết vấn đề quá tải ở cảng Tiên Sa cũng như các vấn đề về giao thông, môi trường đối với TP Đà Nẵng khi cảng Tiên Sa phải thông qua lượng hàng quá nhiều.

“Hai cơ quan này cũng nhất trí là hiện nay nguồn vốn ngân sách của Việt Nam dành cho GTVT tương đối hạn hẹp, nguồn vốn vay của Chính phủ cũng rất khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển cảng Liên Chiểu phải có sự phối hợp giữa công và tư để có thể giải quyết tốt nguồn vốn cho dự án!” – ông Koichiro Harada cho hay.

Ông cũng nói thêm rằng, mặc dù rất khó khăn trong vấn đề nguồn vốn cũng như vốn vay nhưng đến thời điểm này, JICA cũng như Đại sứ quán Nhật Bản chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía Việt Nam yêu cầu hỗ trợ nguồn vốn xây dựng cảng Liên Chiểu. Nguyên nhân có thể là do đến nay vẫn chưa xác định ai sẽ là chủ đầu tư dự án. Đây là vấn đề cần được TP Đà Nẵng và Bộ GTVT sớm thúc đẩy để có thể đẩy nhanh tiến trình dự án.

Ngày 14/2, đoàn tư vấn Nhật Bản tiếp tục làm việc với Bộ GTVT. Tuy nhiên qua đó đã xuất hiện một số khác biệt về quan điểm giữa Bộ GTVT với UBND TP Đà Nẵng. Cụ thể là Bộ GTVT muốn đưa công suất tối đa của cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm sau khi hoàn thành cải tạo giai đoạn 2. Đồng thời trong lúc khởi động khai thác cảng Liên Chiểu thì việc bốc xếp hàng tổng hợp tại cảng này sẽ ưu tiên phục vụ hàng chuyển từ cảng Tiên Sa sang, còn cảng Tiên Sa vẫn bốc xếp lượng hàng container nhất định song song với tiếp nhận tàu khách.

Trong khi đó, UBND TP Đà Nẵng mong muốn công suất tối đa của cảng Tiên Sa chỉ là 10 triệu tấn/năm để phù hợp với khả năng của đường dẫn hiện hữu và giảm thiểu ách tắc giao thông gần các khu vực du lịch phía Đông Thành phố. Đồng thời ngay từ khi khởi động khai thác cảng Liên Chiểu sẽ tiến hành bốc xếp cùng lúc hàng tổng hợp, hàng container cùng lượng hàng chuyển từ cảng Tiên Sa sang để từng bước đưa cảng Tiên Sa chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn!

“Sự khác biệt này xuất phát từ định hướng sử dụng cảng Liên Chiểu và cảng Tiên Sa. Đây cũng là lo lắng của JICA cũng như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Nếu không có định hướng sử dụng một cách hợp lý cả hai cảng thì cảng Tiên Sa sẽ không phát triển được và cảng Liên Chiểu xây mới cũng không thể phát triển ổn thỏa!” – ông Koichiro Harada nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, "đúng ra khi làm việc với đoàn tư vấn Nhật Bản về dự án cảng Liên Chiểu, Bộ GTVT cần mời Đà Nẵng tham dự để cùng thảo luận. Việc hai đơn vị làm việc “độc lập”, không chia sẻ thông tin sẽ dẫn đến tình trạng nói mãi mà chẳng bao giờ gặp nhau được”.

“Tôi nghĩ tốt nhất là từ nay về sau, các buổi làm việc của tư vấn hay các bên liên quan với Bộ GTVT thì Đà Nẵng sẽ cử người tham dự. Còn nếu làm việc với Đà Nẵng thì Bộ GTVT cũng có thể đề nghị Đà Nẵng mời họ tham dự, để trao đổi những vấn đề có thể còn khác ý kiến với nhau, chứ nếu cứ hôm nay họp ở chỗ này có ý kiến này, mai họp ở chỗ khác có ý kiến khác mà không có sự thống nhất thì sẽ kéo dài, không thể triển khai thực hiện được!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Ông cũng cho hay, cách đây 3 ngày, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp và thông qua đề xuất đối với một số dự án lớn trên địa bàn. Từ kết quả cuộc họp đó và sau khi đoàn tư vấn trình bày lần cuối báo cáo rà soát, bổ sung nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng sẽ có báo cáo chính thức cho Chính phủ, Bộ GTVT cũng như JICA, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về các dự án quan trọng như cảng Liên Chiểu, di dời ga Đà Nẵng...

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, UBND TP Đà Nẵng sẽ đề xuất làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng cảng Liên Chiểu. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào cảng Liên Chiểu như Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Tân Cảng, Ngân hàng SHB... Khi có dự án và quy hoạch được duyệt thì các nhà đầu tư căn cứ vào đó mà triển khai. Vấn đề lớn hiện nay cần được Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ngành hữu quan hỗ trợ là tìm nguồn vốn tài trợ xây dựng đê chắn sóng cho cảng.

Ông Koichiro Harada cũng cho rằng nếu có cả 3 bên (tư vấn, Bộ GTVT và TP Đà Nẵng) cùng tham gia thảo luận thì kết quả các cuộc làm việc sẽ rõ ràng hơn, dễ dàng đưa ra quan điểm thống nhất hơn. Nhưng do giữa Bộ GTVT và TP Đà Nẵng hiện còn có những khác biệt về quan điểm nên đơn vị tư vấn phải lắng nghe ý kiến của cả hai phía để có thể dung hòa một cách tối đa.

“Cho nên mình làm việc không qua được mấy ông Nhật là đúng. Họ làm việc thì hợp tác với nhau rất tốt, còn mình thì mỗi bên làm mỗi kiểu, nên cứ làm việc miết vẫn không gặp nhau được. Riêng cái này thì mình phải học họ. Học mãi mà vẫn chưa thuộc. Đúng ra buổi nghe báo cáo cuối cùng về dự án tiền khả thi này, Sở GTVT và Sở KH-ĐT phải mời Bộ GTVT và các Cục, Vụ liên quan vào dự, nghe Đà Nẵng thảo luận thế nào, ý của Bộ GTVT ra sao, chứ như thế này thì tư vấn cứ phải chạy qua chạy về mãi!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Hải Châu

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.