|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT: Cần đánh giá lại việc di dời cảng biển

07:39 | 13/08/2016
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho rằng cần phải đánh giá lại việc di dời cảng biển ra khỏi vực nội thành TPHCM. Mục tiêu trước đây khi di dời là để tránh ùn tắc giao thông cho TPHCM, nhưng hiện nay, hàng dồn về Cát Lái và tình hình ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.
bo gtvt can danh gia lai viec di doi cang bien
Nhiều thời điểm một số tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Anh Quân

Ông Nhật nêu lên vấn đề này trong buổi làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với chính quyền TPHCM về tình hình triển khai các dự án phát triển giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái diễn ra hôm nay, 11-8.

Tại buổi làm việc, đề cập đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết trong năm 2015 lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái đã lên đến 49 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch tới năm 2020 của cảng chỉ là 36 triệu tấn.

Hơn nữa, cảng Cát Lái còn là nơi trung chuyển hàng cho các cảng Hiệp Phước, Cái Mép. Đa phần hàng hóa chuyển về cảng Cát Lái được vận chuyển bằng đường bộ, mặc dù có đường vành đai 2, đường cao tốc kết nối nhưng không thể tránh khỏi ùn tắc giao thông vì lượng xe rất lớn. Trong thời gian tới, lượng hàng hóa về cảng Cát Lái tăng thì lượng xe container đổ về sẽ càng cao.

Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp logistics rất than phiền về ùn tắc giao thông dẫn vào cảng Cát Lái, đặc biệt vào các ngày thứ Sáu, đoạn đường từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái chỉ có 12 km mà phải mất 3 giờ xe mới đến được cảng để lấy hàng.

Để giải quyết kẹt xe đường vào cảng Cát Lái, ông Cường cho biết, trước mắt Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phân luồng, tổ chức giao thông trên các tuyến đường các khu vực trên.

Về lâu dài, cần phải xây dựng các cầu vượt ở các nút giao. Hiện tại, nút giao Mỹ Thủy đang được xây dựng, còn nút giao An Phú đã xây dựng dự án, song chưa có vốn thi công.

“Hiện nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) còn vốn dư của dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Do vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ giao cho VEC đầu tư dự án này, thành phố sẽ lo giải phóng mặt bằng", ông Cường nói.

Liên quan đến tình hình ùn tắc tại cảng Cát Lái, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng cần đánh giá lại việc di dời cảng biển ra khỏi nội thành TPHCM. Trước đây, mục tiêu của việc xây dựng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là nhằm thay thế các cảng ở nội thành TPHCM. Còn cảng Cát Lái, Hiệp Phước chỉ quy hoạch đủ công suất hoạt động cho thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay hàng cứ dồn về Cát Lái trong khi Cái Mép – Thị Vải chỉ đạt 15% công suất thiết kế. Vì thế, cần phải đánh giá lại để có sự phân bổ hợp lý hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng TPHCM cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch, xem bất cập ở đâu để sớm điều chỉnh. Trong đó, phải đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông từ đường sắt, đường bộ, đường thủy.

Theo Lê Anh

TBKTSG

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.