|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương muốn 'siết' bảo dưỡng, bảo hành xe nhập khẩu

09:40 | 04/09/2016
Chia sẻ
Thay vì giấy uỷ quyền chính hãng đối với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô theo quy định tại Thông tư 20 sẽ được Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cân nhắc bãi bỏ, ôtô muốn được đăng ký lưu hành phải có chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng chính hãng.

Tại cuộc họp rà soát các điều kiện kinh doanh “bó” doanh nghiệp mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đang tiến hành rà soát, lấy ý kiến các đơn vị, chức năng để kiến nghị Chính phủ bãi bỏ một loạt quy định đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian trước mắt, cơ quan này sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại Nghị định 19 cho doanh nghiệp kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ôtô theo Thông tư 20.

Những quy định trong Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ôtô chính hãng đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Trong văn bản vừa được Bộ Công Thương gửi báo cáo Thủ tướng về những nội dung tranh cãi tại Thông tư 20, Bộ Công Thương vẫn khẳng định những quy định tại Thông tư này chỉ là thủ tục hành chính chứ không phải điều kiện kinh doanh, do đó những quy định này là không trái luật.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương đề xuất lên Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp để sớm đưa ra các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

tin nhap 20160904083928

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, ôtô nhập khẩu muốn lăn bánh phải có thêm điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng từ chính hãng

"Tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam", Bộ Công Thương đề xuất và khẳng định quy định được đưa ra vì mục đích muốn bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Công Thương nhận nhiều ý kiến trái chiều và lo lắng, chiếc “vòng kim cô” về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ muốn nhập khẩu ôtô chính hãng vẫn còn đó. Bằng cách khéo léo khai tử Thông tư cũ, sẽ lại thai nghén một Thông tư khác “siết” doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và chỉ chuyển từ giấy phép nhập sang giấy phép bảo hành chính hãng…

Nghĩa là, doanh nghiệp muốn nhập ôtô thì phải có thêm cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do chính hãng công nhận. Còn về phía người tiêu dùng, một chiếc xe mua về muốn lăn bánh ngoài quy định bắt buộc đăng kiểm, sẽ buộc phải có được giấy đảm bảo của nhà sản xuất về bảo dưỡng, bảo hành.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An nói thẳng, quy định giấy bảo hành, bảo dưỡng chính hãng mới được phép lưu hành xe trên đường sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nhỏ và hàng trăm gara bảo hành phải đóng cửa.

"Mở vòng kim cô độc quyền trong nhập xe rồi không cho lưu thông, vẫn là cái vòng luẩn quẩn giống như Thông tư 20, chỉ khác là vị thế độc quyền từ khâu nhập xe chuyển sang khâu bảo hành, bảo dưỡng. Một khi các liên doanh muốn độc quyền phân phối, bảo hành xe thì rất khó để những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể xin được một chiếc giấy bảo hành chính hãng hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải được nhà sản xuất cấp phép", ông Tuấn nói.

Ngay khi vừa nghe tới đề xuất này, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói thẳng, nếu quy định như vậy hoàn toàn không khả thi. Theo ông, việc đảm bảo xe có đảm bảo an toàn khi vận hành hay không thuộc trách nhiệm của Cục Đăng kiểm (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) chứ không phải cơ sở bảo hành, bão dưỡng do chính hãng thành lập hoặc uỷ quyền xác nhận. “Nếu quy định như vậy thì cơ quan đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải sẽ giữ vai trò gì?”, ông đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Hà thì cho rằng cần phải tách bạch giữa hai vấn đề bảo dưỡng và bảo hành. Bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà sản xuất do Bộ Công Thương quản lý còn bảo dưỡng là quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Các hãng xe giờ đây đều có bảo hành toàn cầu, vậy nên không cần phải có một điều kiện kinh doanh như bắt buộc phải có gara bảo dưỡng, bảo hành với doanh nghiệp nhập khẩu nữa. Về bảo hành, các hãng sản xuất phải chịu trách nhiệm sửa chữa, thay thế linh kiện hoặc thu hồi nếu xe xảy ra vấn đề trong thời gian còn hạn bảo hành.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, khó có thể ép buộc chủ xe chỉ được bảo hành, bảo dưỡng tại một vài cơ sở bảo hành do chính hãng lập ra, hoặc uỷ quyền. “Chủ xe bảo hành, bảo dưỡng ở đâu cũng được, miễn là 6 tháng đưa xe đi đăng kiểm một lần để xác thực chiếc xe đó đủ điều kiện vận hành”, Giáo sư Nguyễn Mại nêu quan điểm.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh giải thích, theo mô hình mà cơ quan này đề xuất thì ai cũng được quyền nhập khẩu, phân phối ôtô mà không cần phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa. Còn quy định thế nào là thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng theo như đề xuất của cơ quan này có thể một trong 3 loại: các cơ sở do chính hãng mở; các cơ sở do chính hãng ủy quyền; cơ sở không phải do chính hãng mở hay ủy quyền nhưng được Nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng.

“Chúng tôi chỉ có một yêu cầu, đó là khi anh bán chiếc xe cho người tiêu dùng thì phải đưa ra cam kết về chế độ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi xe. Khi có các cam kết đó thì xe mới được đăng ký lưu hành”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Khánh cũng cho hay, người tiêu dùng không bắt buộc phải đưa xe đến đúng địa chỉ bảo dưỡng do nhà phân phối cam kết. Họ có thể sử dụng dịch vụ bảo dưỡng của các cơ sở khác, miễn là phải bảo dưỡng đúng cách để xe vượt qua được các tiêu chuẩn an toàn của cơ quan đăng kiểm.

Đồng thời, các cơ sở nhỏ lẻ vẫn có thể sửa chữa những hỏng hóc nhỏ lẻ. Chỉ khi động đến những bộ phận quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới độ an toàn của xe và của người tham gia giao thông như động cơ, kết cấu khung gầm, hệ thống lái… thì mới phải đáp ứng điều kiện bảo hành, bảo dưỡng tại cơ sở chính hãng thành lập hoặc uỷ quyền.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo thuộc Vụ Pháp chế của Bộ Giao thông Vận tải cho biết chưa nhận được văn bản đề xuất chính thức của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trước khi có đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã khai tử các yêu cầu về bảo hành, bảo dưỡng xe. Theo đó, Thông tư 19 quy định về bảo hành, bảo dưỡng ôtô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu ôtô, trong đó, quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe thuộc Thông tư 20 đã không còn hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo Bạch Dương - Anh Minh

VnExpress

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.