|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bloomberg: Việt Nam làm trong sạch thị trường chứng khoán để hút dòng vốn ngoại

16:21 | 21/04/2022
Chia sẻ
Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch thanh lọc các thị trường tài chính, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm củng cố vị thế là điểm đến cho dòng vốn đầu tư quốc tế.

Tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Hôm qua 20/4, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt, và ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Công ty Louis Holdings với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý nghiêm những vi phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản. Các cơ quan chức năng cũng đang theo dõi chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bloomberg, chỉ số VN-Index nằm trong nhóm tăng mạnh nhất thế giới trong hai năm qua nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index đang kém xa chỉ số MSCI khu vực châu Á.

Số liệu tháng 4/2022 chỉ tính đến hết phiên 21/4.

Nhiều vụ án liên quan tới thị trường chứng khoán được đưa ra ánh sáng trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu để được các tổ chức quốc tế nâng hạng từ thị trường chứng khoán cận biên lên thị trường mới nổi. Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã ở trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE Russell.

Nếu được nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn ngoại dồi dào hơn nhiều so với hiện nay. Nhiều quỹ đầu tư lớn chỉ rót tiền vào các thị trường mới nổi, không đầu tư vào thị trường cận biên.

Ông Fred Burke, chuyên gia cao cấp tại công ty luật Baker McKenzie trả lời tờ Bloomberg: “Một cây chổi mới xuất hiện, quét sạch nhà cửa trong mùa xuân. Đây là một thay đổi văn hóa lớn ở Việt Nam”.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu như Intel, Samsung, Calvin Klein, … cũng như các nhà thầu phụ của những doanh nghiệp khổng lồ này. Rất nhiều công ty nước ngoài đã thành lập nhà máy và văn phòng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường vốn của Việt Nam lại bị coi là kém phát triển hơn so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Những nước láng giềng này có thị trường trái phiếu bằng USD dễ dàng tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của Bloomberg, ba nước Đông Nam Á nói trên thu hút trung bình 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mỗi năm trong một thập kỷ qua, vốn đầu tư gián tiếp cũng vào khoảng 11 tỷ USD.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, nhưng giá trị phát hành đã tăng sốc trong hai năm qua khi nền kinh tế phải chống chọi với dịch bệnh, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tích lũy trong nền kinh tế. 

 

Trước khi bắt tạm giam Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt và Chủ tịch Louis Holdings, cơ quan công an đã khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, cùng với nhiều lãnh đạo khác của Tân Hoàng Minh và FLC.

Ông Đỗ Anh Dũng bị cáo buộc tội lừa đào chiếm đoạt tài sản liên quan đến 9 lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, còn ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ông Phùng Trung Kiên, Nhà sáng lập công ty quản lý tài sản Vietnam Holding, nhận định: “Nỗ lực của Chính phủ trong xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng xấu tới tâm lý và dòng tiền trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, động thái này có tác động tích cực”.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tại ngày cuối năm 2021 đạt 42,5% GDP, trong đó đa phần là trái phiếu chính phủ. Nhiều nước ở châu Á có quy mô thị trường trái phiếu lớn hơn GDP như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, ...

Song Ngọc