|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bloomberg: Lần đầu tiên sau 10 năm, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi TTCK Việt Nam

17:29 | 31/08/2016
Chia sẻ
Sự ưu ái của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam dường như đã tới lúc nhạt màu.

Sau khi bơm 3,4 tỷ USD kể từ năm 2006, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu bán ra các tài sản trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM trong năm 2016 lần đầu tiên trong một thập kỷ, theo số liệu của Bloomberg.

tin nhap 20160831172123

Lần đầu tiên dòng tiền chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2006

Trong khi chỉ số VN-Index đang ở mức cao gần nhất 8 năm, MSCI Inc vẫn chưa nâng hạng thị trường cận biên này lên thị trường mới nổi, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam có kế hoạch gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số công ty.

Theo Bloomberg, 10 năm kể từ khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là “Trung Quốc mới nổi”, thị trường chứng khoán trị giá 71,3 tỷ USD này vẫn là một trong những thị trường nhỏ nhất khu vực và đang trong quá trình cải tổ lại hệ thống ngân hàng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tại HOSE năm 2016 vào khoảng 106 triệu USD, ít hơn 1/4 so với Malaysia hay Indonesia, theo số liệu thống kê của Bloomberg.

Sắp đạt tiêu chuẩn?

Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được mọi tiêu chuẩn đối với thị trường mới nổi mà MSCI đưa ra sớm nhất vào cuối năm 2016, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội vào tháng 4. Cho tới nay, MSCI vẫn chưa đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi của thị trường mới nổi trong tháng 6.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 106 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong năm nay, sau khi luôn là đối tượng mua ròng trên các sàn giao dịch chứng khoán kể từ khi các số liệu được ghi nhận vào năm 2006.

“Các nhà đầu tư nước ngoài luôn lạc quan về Việt Nam, tuy nhiên sự chậm chạp của quá trình cải tổ ngân hàng và tình trạng thanh khoản chưa tốt khiến họ ngần ngại đổ tiền vào”, Patrick Mitchell, Giám đốc Marketing của Maybank Kim Eng Securities Ltd cho biết.

Chỉ số VN-Index đã tăng 16% trong năm nay, so với mức tăng 8,7% của chỉ số MSCI các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, trong số 309 chứng khoán niêm yết tại HOSE, có ít hơn 20 mã có giá trị giao dịch hàng ngày từ 2 - 5 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg.

tin nhap 20160831172123

VN-Index ở mức cao gần nhất 8 năm

Mua vào – bán ra

“Khả năng để mua vào – bán ra cổ phiếu mà không gây nên những biến động bất thường về giá là rất quan trọng. Khó để đặt ra một ngưỡng nào đó cụ thể, tuy nhiên, việc các cổ phiếu có thể giao dịch với giá trị từ 2-3 triệu USD/ngày có thể là một mức hữu ích”, James Lau, Giám đốc Đầu tư tại Pheim Asset Management Sdn cho biết.

Trong tháng 7, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty có giá trị thị trường lớn nhất thời điểm này, đã được chấp thuận gỡ bỏ mức giới hạn 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng lên kế hoạch sáp nhập 2 sàn chứng khoán và bắt đầu thị trường chứng khoán phái sinh trong năm tới, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư.

Cái nhìn lạc quan

Mark Mobius, Chủ tịch Templeton Emerging Markets Group, tỏ ra lạc quan về quá trình này.

“Chính phủ Việt Nam đã thực hiện khá tốt việc cải tổ và chúng tôi nghĩ rằng, cuối cùng thì thị trường tại đây sẽ được mở rộng”, Mobius cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo.

James Bannan, giám đốc quản lý 212 triệu USD tại Frontier Markets Fund (Coeli Asset Management SA, Thụy Điển) cho rằng, Việt Nam là “một trong những nơi luôn được chú trọng” trong danh mục đầu tư của quỹ. Theo Bannan, ông luôn đổ thêm tiền vào thị trường với viễn cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam cần phải làm nhiều điều hơn nữa, bao gồm tăng tốc độ thoái vốn tại các công ty nhà nước lớn, cũng như đầu tư vào các công ty lớn.

“Các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư lớn. Họ chưa nhìn thấy đủ số lượng các chứng khoán trên thị trường để đầu tư vào”, Alan Pham, nhà kinh tế trưởng tại VinaCapital Group cho biết.

Theo Lam Phong

Đầu tư chứng khoán