|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Hàng triệu dân trung lưu tại Đông Nam Á đang rơi vào cảnh nghèo khó

06:04 | 16/10/2020
Chia sẻ
Từ một khu vực thịnh vượng với tầng lớp trung lưu liên tục gia tăng qua các năm, Đông Nam Á sắp phải chứng kiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo khó do sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tình trạng thất nghiệp khiến đà tăng trưởng bùng nổ của Đông Nam Á trong vài năm qua chững lại và các nền kinh tế trong khu vực có thể phải mất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn.

Tại Philippines, nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất tại Đông Nam Á, một khảo sát mới của World Bank và chính quyền địa phương cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa không chắc khi nào họ có thể hoạt động trở lại.

Lệnh phong tỏa toàn quốc gây ra ảnh hưởng lâu dài và tàn phá nghiêm trọng cuộc sống của những người dân như cô Jenn Piñon (35 tuổi, sống tại thủ đô Manila).

Cô Piñon mất hợp đồng làm thiết kế đồ họa và buộc phải bán trứng cùng món súp đậu gà trên mạng để kiếm sống. Piñon còn phải sống trong căn hộ chung cư không dùng đến của một người bạn chung nhà thờ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

"Tôi đâu ngờ cuộc sống thay đổi như thế. Cảm ơn Chúa vì ít ra tôi còn có tiền tiết kiệm. Tôi chỉ hi vọng mình có thể vượt qua cuộc khủng hoảng", cô Piñon chia sẻ với Bloomberg.

Bloomberg: Hàng triệu dân trung lưu tại Đông Nam Á đang rơi vào cảnh nghèo đói - Ảnh 1.

Cô Jenn Piñon. (Ảnh: Bloomberg)

Dù thu nhập của người dân trên toàn thế giới đều giảm, ảnh hưởng của đại dịch đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực mới nổi của Đông Nam Á, khi mà làn sóng mất việc và hệ thống an sinh xã hội kém khiến hàng triệu người có nguy cơ tụt lại trên nấc thang xã hội.

Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Giám đốc của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Manila, cho biết khu vực Đông Nam Á có thể đứng thứ hai sau tiểu lục địa Ấn Độ trong bảng xếp hạng về số lượng người nghèo mới của châu Á trong năm nay.

Còn theo bà Priyanka Kishore, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, nhu cầu tiêu dùng yếu, hàng loạt công ty sắp phá sản và các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường việc làm châu Á.

Bà Kishore nói: "Nhìn chung, tình cảnh hiện tại cho thấy quá trình phục hồi sẽ kéo dài rất lâu. Chúng tôi dự đoán thậm chí đến năm 2022, GDP của khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ thấp hơn 2% so với mức cơ sở trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát".

Bloomberg: Hàng triệu dân trung lưu tại Đông Nam Á đang rơi vào cảnh nghèo đói - Ảnh 2.

Năm ngoái, Bain & Co. dự đoán Đông Nam Á sẽ có thêm ít nhất 50 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2022. Triển vọng 300 tỉ USD thu nhập khả dụng của khu vực đã thu hút nhiều công ty lớn như Toyota Motors và Ikea đến để mở rộng hoạt động.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), giờ đây thu nhập của người dân giảm, tăng trưởng theo đó cũng đình trệ vì tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á (không tính Singapore).

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên Hợp Quốc (DER) cho hay, khoảng 347,4 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể rơi xuống dưới mức nghèo vì đại dịch, tức là thu nhập dưới 5,5 USD/ngày.

Mức thu nhập này khiến cuộc sống của những người như Adi Muhammad Fachrezi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Năm 2014, Fachrezi (khi đó 18 tuổi, sống tại Indonesia) trở thành người đầu tiên trong gia đình lên đến đại học.

Khi hoạt động du lịch bị đình trệ, công việc hướng dẫn viên của anh phải tạm dừng và chi phí học tập, sinh hoạt cũng do đó mà thiếu hụt. Fachrezi cho hay: "Tôi gần như đang kiệt quệ về tài chính".

Bloomberg: Hàng triệu dân trung lưu tại Đông Nam Á đang rơi vào cảnh nghèo đói - Ảnh 3.

Trong quí II năm nay, mức độ suy thoái ở 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đều rất nghiêm trọng. So với cùng kì năm trước, GDP Indonesia giảm 5,3%, Malaysia giảm 17,1%, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,3% và Thái Lan giảm 12,2%.

Việt Nam, một trong số các nước hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, ghi nhận mức tăng trưởng dương nhưng cũng chứng kiến đà phát triển bùng nổ kéo dài gần ba thập kỉ chững lại trong năm nay. 

HSBC cho biết các nền kinh tế Đông Nam Á có thể suy yếu đến đầu năm tới.

Trải qua nhiều biến động chính trị, khủng hoảng tài chính và thiên tai, Đông Nam Á không còn xa lạ với những thách thức. Hàng triệu dân trong khu vực từng rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói vì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004.

Tuy nhiên, khác với các sự kiện trên, ở cuộc khủng hoảng lần này không có thị trường lao động hay xuất khẩu nào hoạt động.

Thực trạng đó cho thấy tình hình tài chính của người dân Đông Nam Á sẽ bị siết chặt trong thời gian dài. Ông Subramaniam của ADB ước tính, cải thiện về thu nhập và tài chính thường đến sau quá trình phục hồi kinh tế hai đến ba năm.

Trong nhiều tháng qua, Farah (28 tuổi) tìm kiếm công việc trong vô vọng tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Không còn dạy ở trung tâm gia sư từ tháng 3, Farah phải sống dựa vào mức lương khiêm tốn của chồng từ công việc trong viện dưỡng lão và trợ cấp ít ỏi từ chính phủ.

Farah và chồng suýt rơi vào cảnh vô gia cư sau khi hợp đồng thuê nhà hết hạn trong đợt phong tỏa. Họ phải vay mượn người thân để trả phí đặt cọc căn hộ.

Bloomberg: Hàng triệu dân trung lưu tại Đông Nam Á đang rơi vào cảnh nghèo đói - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng nhận đồ tiếp tế tại thủ đô Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Getty Images)

Theo Bloomberg, 5 nền kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á đã chi hàng tỉ USD hỗ trợ thu nhập trong nước để giảm thiểu tác động của đại dịch.

Bất chấp nỗ lực của chính phủ, các loại phúc lợi xã hội như trợ cấp thất nghiệp trên toàn khu vực, ngoại trừ Singapore, đều "không tốt như mong đợi", ông Christina Viegelahn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay.

Ông Viegelahn nói thêm, chính phủ các nước trong khu vực trung bình chỉ chi khoảng 2,7% GDP cho các chương trình phúc lợi thất nghiệp, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 10,8% trên toàn cầu. Bộ phận người lao động phi chính thức, chiếm 76% tổng lực lượng lao động khu vực Đông Nam Á, thường không nhận được hỗ trợ gì.

Anh Fachrezi bày tỏ: "Tôi chỉ hi vọng công ty có thể hoạt động trở lại vào cuối năm, trùng với kì nghỉ lễ". Dù vậy, hi vọng của anh rất mong manh khi mà Indonesia đang là một trong các ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh.

Yên Khê

Giá vàng SJC sẽ còn nhiều đợt giảm tiếp?
Biện pháp mới của Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã giúp giá vàng SJC giảm mạnh. Chỉ trong vòng 5 ngày kể từ khi phát đi thông báo, giá đã giảm tới 10 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Một số chuyên gia cho rằng rất có thể giá sẽ còn giảm trong thời gian tới.