|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BlackRock: Chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu cần 4.000 tỷ USD/năm

16:04 | 22/04/2024
Chia sẻ
Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock ước tính quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn thế giới sẽ cần tới 4.000 tỷ USD/năm đến giữa những năm 2030.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock).


Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock ước tính quá trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn thế giới sẽ cần tới 4.000 tỷ USD/năm đến giữa những năm 2030, đồng thời kêu gọi cần có thêm nhiều hình thức hợp tác công- tư, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dự báo này đến từ báo cáo "Kịch bản chuyển đổi Viện Đầu tư" mới nhất của BlackRock, phân tích cách thức diễn ra khả dĩ nhất của quá trình chuyển đổi sang năng lượng phát thải ít carbon và tác động tiềm ẩn của nó lên các danh mục đầu tư.

Theo ông Michael Dennis, Giám đốc Chiến lược và Thị trường Vốn Đầu tư Đặc biệt khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại BlackRock, con số 4.000 tỷ USD/năm gấp đôi so với dự đoán trước đó là 2.000 tỷ USD/năm, và sẽ đòi hỏi sự gia tăng vốn từ cả khu vực công và tư nhân.

Phát biểu tại Tuần lễ Ecosperity thường niên tại Singapore vào tuần trước, ông Dennis nói: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực sự là trung tâm của cơ hội đầu tư năng lượng, và chúng tôi thấy điều này ở nhiều lĩnh vực, cả ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi”.

Theo số liệu tổng hợp của BlackRock, trong năm 2023, 1.800 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án liên quan đến chuyển đổi năng lượng, tăng so với mức tương ứng 33 tỷ USD ghi nhận vào năm 2004, với tổng số tiền đầu tư lên tới khoảng 19.000 tỷ USD cho đến nay.

Ông Dennis- người chịu trách nhiệm mảng đầu tư đặc biệt của BlackRock trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, quỹ đầu cơ và vốn cổ phần tư nhân, nói thêm: “Tốc độ tăng trưởng và số tiền vốn được đầu tư đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, mặc dù đầu tư đã tăng lên, vẫn còn thiếu 18.000 tỷ USD để đạt được mục tiêu vào năm 2030”.

Khoảng trống về vốn đầu tư tồn tại trên các phân cấp rủi ro khác nhau: từ các khoản đầu tư rủi ro thấp vào cơ sở hạ tầng năng lượng cốt lõi đến các rủi ro cao hơn như vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn cuối và vốn cổ phần tư nhân. Theo ông Dennis, các nguồn tài chính để lấp đầy khoảng trống vốn này là có sẵn.

Một cuộc khảo sát của BlackRock với 200 nhà đầu tư tổ chức vào năm ngoái cho thấy, 56% nhà đầu tư dự định tăng phân bổ đầu tư cho quá trình chuyển đổi trong 1-3 năm tới, với 46% số nhà đầu tư cho rằng việc điều hướng quá trình chuyển đổi năng lượng là ưu tiên đầu tư quan trọng nhất của họ trong cùng khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, ông Dennis nhấn mạnh rằng để các khoản đầu tư đi vào thực tế, đòi hỏi “sự đồng thuận giữa hành động của chính phủ, các công ty và quan hệ đối tác với cộng đồng”.

Ngoài ra, ông Dennis cho rằng: "Chúng ta cần thấy sự thay đổi chính sách về giá năng lượng và phi quy định hóa thị trường năng lượng, đồng thời cho biết rằng ở các thị trường mới nổi, khoảng 60% vốn cần thiết dự kiến sẽ đến từ khu vực tư nhân".

BlackRock xác định tài chính hỗn hợp là một động lực đầu tư quan trọng khác, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Theo OECD, tài chính hỗn hợp được định nghĩa là việc sử dụng chiến lược các quỹ phát triển để huy động thêm nguồn tài chính cho phát triển bền vững.

Tài chính hỗn hợp thực sự quan trọng, không chỉ cho giai đoạn đầu của các dự án, mà còn để biến các tài sản xanh thành tài sản có thể đầu tư trong cấu trúc danh mục đầu tư hiện tại, điều này có thể giúp khai thác hàng nghìn tỷ USD từ các thị trường vốn rộng lớn hơn.

Theo BlackRock, những yếu tố cần thiết khác để đạt được mục tiêu tài chính xanh toàn cầu bao gồm phát triển nhân tài giỏi hơn trên những lĩnh vực khác nhau của hệ sinh thái và thay đổi khung rủi ro cho các khoản đầu tư vào dự án xanh.

Các chuyên gia cho rằng dù có những kỷ lục đã được thiết lập trong năm qua, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời không thể ngăn chặn sự gia tăng của nhiên liệu hóa thạch.

Theo một nghiên cứu mới nhất, mức tiêu thụ than, dầu mỏ và khí đốt cũng như lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên. Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu ngày càng gặp nhiều thách thức.

Các thông tin cho thấy về sự phát triển vượt bậc của năng lượng gió và Mặt Trời trên thế giới khiến các chính trị gia hết sức vui mừng. Tại hội nghị chuyển đổi năng lượng mới đây ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hân hoan cho biết, công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới năm 2024 tăng thêm 50% so với năm 2022.

Nhưng những dữ liệu cụ thể được mạng lưới REN21 (có trụ sở tại Paris) công bố trong báo cáo nghiên cứu mới nhất về quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu không cho thấy điều đó.

Giống như nhiều nhà quan sát và những người có vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng, Ngoại trưởng Baerbock đã bỏ qua một thực tế đáng lo ngại: năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng, nhưng chỉ riêng năng lượng tái tạo thì không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng gia tăng trên toàn cầu.

Theo báo cáo của REN21, phần lớn nhu cầu năng lượng gia tăng được đáp ứng nhờ nhiên liệu hóa thạch, loại nhiên liệu gây hại cho khí hậu.

Trong 12 năm qua, lượng tiêu thụ than, khí đốt và dầu mỏ không hề giảm. Lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng tiếp tục tăng mạnh trong năm ngoái. Quá trình chuyển đổi năng lượng thậm chí còn "chưa đi đến bước ngoặt đầu tiên".

Báo cáo cho biết năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió, điện Mặt Trời và thủy điện, đã tăng tỷ trọng từ 9,5% lên 12,9% trong giai đoạn 2012-2022. Các khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào năng lượng xanh đã làm giảm tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch từ khoảng 81% xuống còn 79%.

Nhưng những số liệu trên lại "che giấu sự thật" là "toàn bộ chiếc bánh cũng đã trở nên lớn hơn": mức tiêu thụ năng lượng của nhân loại đã tăng 16% lên khoảng 400 Exajoule trong cùng giai đoạn (1 Exajoule tương đương với 278 TWh điện).

Điểm chính ở đây là tổng lượng nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ cũng tiếp tục tăng 13%. Tất cả các khoản đầu tư vào năng lượng sạch chỉ làm chậm sự phát triển của các loại nhiên liệu hóa thạch mà không đưa đến sự suy giảm về mặt tuyệt đối. Theo báo cáo, tất cả những điều này đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và gây nguy hiểm cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Do đó, báo cáo của mạng lưới REN21 nêu lên thực tế khác hơn nhiều so với nhận định của Ngoại trưởng Đức Baerbock. Đó là thế giới đang sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn bao giờ hết, lượng khí thải trong lĩnh vực năng lượng tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, trong khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng không được đáp ứng đầy đủ bằng các nguồn năng lượng tái tạo.

Thực tế, năng lượng tái tạo đang có các điều kiện rất tốt để phát triển. Nhu cầu tự đảm bảo nguồn cung năng lượng do những lo ngại về an ninh nguồn cung sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine đã kích thích mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo.

Quyết định lịch sử của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) về mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo và gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030 làm tăng thêm tham vọng về năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

Báo cáo của REN21 cho biết mức tăng 473 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2023 là một kỷ lục mới. Tuy vậy, con số này còn rất xa so với con số 1.000 GW điện sạch cần thiết mỗi năm để đạt được các mục tiêu bền vững và bảo vệ khí hậu toàn cầu. Lượng khí thải CO2 trong năm ngoái cũng đã tăng thêm 1,1%, bất chấp con số kỷ lục về điện sạch.

Sau các cuộc biểu tình "Thứ Sáu cho tương lai", nhiều nước công nghiệp phát triển đã tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch. Ở Đức, một loạt trở ngại quan liêu đối với các doanh nghiệp điện gió và điện Mặt Trời đã được loại bỏ. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thiết lập gói tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các công nghệ trong tương lai.

Nhưng đồng thời, nhiều quốc gia cũng buộc phải cấp các khoản trợ cấp lớn để giữ giá xăng dầu, than và khí đốt ở mức thấp, nhờ đó bình ổn cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo của REN21, năm 2022, riêng những nước G20 đã trợ cấp 1.300 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch. So với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, trợ cấp cho các nguồn năng lượng gây hại cho khí hậu đã tăng hơn gấp đôi.

Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, báo cáo của REN21 ước tính rằng thay vì 622 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo như năm ngoái, các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ phải huy động 1.300-1.350 tỷ USD mỗi năm, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều nước, nguồn vốn khó khăn, các dự án mới rất khó tiếp cận vốn và tốn kém, thì con số trên thật khó có thể đạt được.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu hiện nay đang bước vào một giai đoạn được đặc trưng bởi các vấn đề về tích hợp: không chỉ thiếu nguồn vốn mà còn thiếu năng lực mạng lưới truyền tải, kho lưu trữ và cơ sở hạ tầng liên quan.

Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trở nên mong manh hơn, một số công ty độc quyền đang chiếm lĩnh thị trường đối với các linh kiện quan trọng như lithium cho pin, linh kiện cho tuabin điện gió, pin quang điện. Việc thuyết phục các nhà đầu tư tăng gấp đôi số vốn đầu tư của họ không phải là điều dễ dàng.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.

Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

Phó Chủ tịch Enverus, Andrew Dittmar, cho rằng lĩnh vực dầu khí đang diễn ra làn sóng hợp nhất chưa từng có như những năm cuối thập kỷ 1990 và đầu thập kỷ 2000.

Theo ông Dittmar, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024, cho thấy khả năng thoái vốn từ nhà sản xuất dầu khí đá phiến Endeavor Energy. Trước đó, theo hãng tin Reuters (Anh), công ty có trụ sở tại Midland, Texas này có thể được định giá 25-30 tỷ USD nếu được bán.

Minh Trang