Bị “sờ gáy”, giới đầu cơ Trung Quốc rút hàng tỷ USD khỏi thị trường hàng hóa
Theo tính toán của Reuters, các quỹ đầu tư đã rút tổng 2,54 tỷ USD khỏi các vị thế dài hạn trên 4 thị trường hàng hóa giao dịch sôi động nhất Trung Quốc, gồm quặng sắt, cốt thép, than cốc và nhựa, kể từ ngày 11/11 đến ngày 17/11.
Đây là đợt bán tháo mạnh nhất trên thị trường hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 2/2016. Và tính từ đầu năm đến nay, giới đầu tư đã rút tổng 19,3 tỷ nhân dân tệ khỏi thị trường này.
Giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các vị thế và hợp đồng mở trên thị trường hàng hóa Trung Quốc để chốt lời sau khi ba sàn giao dịch hàng hóa lớn ở Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu quyết định tăng phí giao dịch và thắt chặt yêu cầu trong giao dịch ký quỹ vào ngày 11/11. Động thái này nhằm kìm hãm đà tăng giá trong nhiều tháng liên tiếp trước đó của một số mặt hàng.
Kể từ ngày 11/11, đã có hơn 300.000 hợp đồng mua cốt thép, quặng sắt, than cốc và nhựa bị hủy giao dịch, Reuters trích số liệu từ các sàn giao dịch cho biết.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, làn sóng bán tháo trên thị trường hàng hóa Trung Quốc chỉ là xu hướng tạm thời. Nói cách khác, giới nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc sẽ sớm quay lại đầu cơ trên thị trường hàng hóa.
“Hiện tại, thị trường hàng hóa Trung Quốc đang trải qua một cú sốc ngắn hạn. Có thể phải mất một đến hai tháng để thị trường ổn định lại”, ông Donghai Xie – Chủ tịch kiêm Giám đốc Đầu tư tại công ty Entropy Capital nói.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng, động thái của ba sàn giao dịch hàng hóa ở Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu sẽ “châm ngòi” cho làn sóng thắt chặt quy định giao dịch trên Trung Quốc để kìm hãm đà tăng giá của hàng hóa.
Trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm nhưng lại đánh cược rất lớn nên thường dẫn tới kết quả là biến động giá lớn trên thị trường.
Họ bắt đầu dồn vốn vào thị trường hàng hóa, đặc biệt là các vật liệu xây dựng như thép, nhựa và đồng, với niềm tin rằng, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng mạnh khi Trung Quốc triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng mới.