Bay trễ, chuyện không hề nhỏ!
Nhưng những chuyến bay trễ, tác hại đâu chỉ đơn giản như vậy.Thử tưởng tượng những chuyến bay trễ, đơn cử như 675 chuyến bay của các hãng hàng không nội địa bị chậm trong bảy ngày - từ 12 đến 18-4-2017 (Tuổi Trẻ 21-4) (*) - sẽ ảnh hưởng đến việc tra cứu này như thế nào.
Nút thắt cổ chai trên không và ảnh hưởng an toàn bay
Trong năm 2016, theo Statista, lượng máy bay thương mại toàn cầu đã vận chuyển hơn 3,6 tỉ lượt người và hơn 40 triệu tấn hàng hóa. Chúng ta có thể hình dung khả năng ùn tắc giao thông trên không như thế nào, với mức tăng trưởng 5% mỗi năm trong thời gian hiện nay cùng số lượng máy bay và hành khách dự báo tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới.
Đã từ lâu, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO/International Civil Aviation Organization), đường bay trên bầu trời thường được chia tầng cách nhau 300 mét ở độ cao khoảng 10 cây số để tránh đụng nhau. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải khởi hành và đáp đúng giờ để tránh bay vòng vòng chờ đáp, mất một khoản thời gian rất lớn của hành khách và một lượng nhiên liệu có thể cần để dẫn đến vạch báo động đỏ.
Bay trễ dẫn đến nhiều hệ lụy “phản ứng dây chuyền”. Đó là các chuyến tiếp theo tiếp tục bị bay trễ và xáo trộn lịch bay cho toàn hệ thống, xáo trộn sự vận hành và thứ tự dự kiến của kiểm soát không lưu, gây thiệt hại về thời gian và công việc của hành khách, lịch làm việc của quan chức, doanh nhân phải thay đổi và có thể dẫn đến những thiệt hại lớn.
Nhưng trước hết và trên hết, bay trễ ảnh hưởng an toàn bay, và đó là điều nguy hiểm nhất.
An toàn bay là tiêu chí số 1 để đánh giá một hãng hàng không. Việc bay trễ là điều cần hết sức tránh để không tụt hạng về mặt phục vụ, giữ khách hàng và uy tín của hãng hàng không. Máy bay giá rẻ mà bay trễ nhiều tiếng đồng hồ thì xem như “tính già hóa non” bởi thiệt hại khó lường hết được! Sự thắt cổ chai ở trên không sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc dưới sân bay, nơi đang rất nhốn nháo và trở nên dễ mất an ninh, an toàn cho hành khách vào những dịp lễ, Tết và cuối tuần.
Các lý do bay trễ và cái giá phải trả
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam hồi năm 2015 về kết quả điều tra các lý do dẫn đến việc bay trễ của các hãng hàng không nội địa (**) thì nguyên nhân khách quan được xác định do máy bay bị chậm là 9,7%; do tàu bay về muộn chiếm 50,5%; nguyên nhân chủ quan chiếm 39,8%. Trong số các nguyên nhân chủ quan, phần được xác định do hãng hàng không chiếm 25,1%, còn do quản lý bay chiếm 10%, do ảnh hưởng bởi trang thiết bị và dịch vụ tại cảng hàng không chiếm 4,7%. Như vậy có thể thấy rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chuyến bay của các hành khách, mà trong đó nguyên nhân khách quan chiếm một tỷ lệ rất lớn.
Đối với trường hợp hủy chuyến thì các nguyên nhân về thời tiết chiếm tỷ lệ 41,2%, do các thiết bị kỹ thuật gặp trục trặc chiếm 47,3%, còn lại là những lý do như bố trí tổ bay không kịp do sự thay đổi bất thường, tàu bay đang phải sửa chữa, bảo dưỡng vượt thời gian dự kiến, sửa chữa và bảo dưỡng do hỏng đột xuất...
Tham khảo số liệu của các hãng hàng không nội địa để thấy việc bay trễ, đáp trễ chiếm tỷ lệ hơn 50% sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền gây xáo trộn từ sự lập trình từ cẩm nang ABC cho đến toàn hệ thống hàng không và ảnh hưởng đến xã hội ra sao. Vậy vấn đề chính ở đây là làm sao cải thiện cách tổ chức của các hãng hàng không, cách sắp xếp lịch bay quá dày đặc của từng chiếc máy bay, cách quản lý sân bay và cách điều hành các tổ bay.
Khoảng 10 triệu du khách đã đến Việt Nam vào năm 2016, trong khi Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc đạt con số gấp 3 chúng ta từ lâu. Du khách quốc tế đến Trung Quốc thì đã gấp 6 lần lượng khách đến nước ta. Việc bay trễ có thể làm hụt việc bắt kịp các chuyến bay quốc tế, và chúng ta sẽ khó đạt được danh hiệu là “trục xoay đáng tin cậy” để thu hút khách du lịch và các đường bay chuyển tiếp. Các chuyến charter của những tập đoàn du lịch rất lớn như TUI, Thomas Cook, Ithaca, Rainbow, Neckerman cũng sẽ... chào thua.
Điều cuối, dù chưa phải là điều cuối cùng, là việc bồi thường của các hãng hàng không cho khách hàng thường bị làm lơ, hoặc vin vào các điều kiện “bất khả kháng“như thời tiết là một yếu kém về mặt chăm sóc khách hàng. Việc bồi thường tối đa chưa tới 400.000 đồng cho khách bay chỉ là đền cho có lệ chứ chẳng bù được gì cả! Tuy nhiên, vì ai cũng tệ như nhau và vì không có các đối thủ nổi trội và chất lượng tin cậy hơn như trên lĩnh vực hàng không liên quốc gia, đường bay quốc tế, nên hàng không nội địa sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại hữu hình và vô hình, ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh quốc gia và sự phát triển du lịch... vì bay trễ thường xuyên.
Bay trễ! Chuyện không hề nhỏ!