Bầu trời có mở cho liên doanh AirAsia - Gumin - Hải Âu?
Lần thứ ba dạm ngõ
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẳng định, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan đến việc Tập đoàn AirAsia (Malaysia) thiết lập một liên doanh hàng không với 2 đối tác trong nước là Gumin và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.
Câu trả lời tương tự cũng đến từ Cục Hàng không Việt Nam, khi lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước này cho biết, cũng chỉ nghe thông tin qua báo chí. “Cả Hải Âu, Gumin hay AirAsia chưa đặt vấn đề xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh vận chuyển hàng không”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xác nhận.
Trước đó, hôm 1/4, Hãng tin Bloomberg đưa tin, hãng hàng không giá rẻ AirAsia sẽ kết hợp với Công ty TNHH Gumin và Công ty Hải Âu để thành lập một liên doanh hàng không, trong đó đối tác Việt Nam góp 70% vốn điều lệ.
Nếu như Hải Âu là doanh nghiệp đã sở hữu giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại với đội bay gồm 4 chiếc thủy phi cơ, thì Gumin - doanh nghiệp tư vấn quản lý lại chỉ mới đi vào hoạt động hôm 29/3/2017.
Cả hai đối tác dự kiến của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes đều là ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Thiên Minh.
Trong khi đó, với AirAsia, đây là lần thứ ba trong vòng 10 năm trở lại đây, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á này tìm kiếm cơ hội hợp tác với một đối tác Việt Nam.
Trước đó, AirAsia từng được thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin, nay là SBIC (năm 2007) và Vietjet (năm 2010) để thành lập hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài thứ hai tại Việt Nam (sau Jetstar Pacific). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các thỏa thuận này đều không thể cụ thể hóa.
Hiện tại, Tập đoàn AirAsia có hai hãng hàng không đang khai thác thường lệ đến Việt Nam là Thai AirAsia (FD), khai thác đường bay từ Thái Lan và AirAsia Berhad (AK), khai thác đường bay từ Malaysia. Trước đây, Indonesia AirAsia cũng đã khai thác đường bay đến Việt Nam từ Indonesia, nhưng hiện đang tạm dừng khai thác.
Cửa hẹp
Hiện những thông tin chính thức từ các bên tham gia thỏa thuận này đều chỉ đến từ Tập đoàn Thiên Minh.
Trong góc báo chí trên website của Thiên Minh với tiêu đề “Thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu”, tập đoàn này cho biết, Hãng hàng không AirAsia cùng một số doanh nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm đầu tư phát triển Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu trong hạng mục thành lập một thương hiệu hàng không mới sắp ra mắt tại Việt Nam.
“Mối quan hệ đối tác và liên kết này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, sau khi được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Theo nội dung thỏa thuận, dịch vụ hàng không chất lượng cao trong khung giá thành “phải chăng” là mục tiêu ra đời của thương hiệu mới này”, thông tin từ Thiên Minh cho biết.
Theo một chuyên gia, hiện chưa rõ việc phát triển hãng hàng không “chi phí phải chăng” này được dựa trên việc nâng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung vì mục đích thương mại của Hải Âu, hay sẽ là một pháp nhân hoàn toàn mới. Tuy nhiên, theo thông lệ, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 là không đủ để liên doanh này có được giấy phép.
Được biết, Công ty TNHH MTV Vietstar - đơn vị có cùng xuất phát điểm như Hải Âu, đã trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không lên Cục Hàng không Việt Nam từ tháng 7/2016, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản pháp lý quan trọng nhất để có thể bay thương mại.
Bên cạnh đó, AirAsia vào Việt Nam khá muộn và họ sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Thị trường hàng không nội địa, ngoài Vietnam Airlines và Skyviet/Vasco, còn có sự xuất hiện của 2 hãng hàng không giá rẻ là Vietjet và Jetstar Pacific, trong đó doanh nghiệp của tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo được đánh giá là tiệm cận cả về vốn, năng lực quản trị với các hãng hàng không lớn trong khu vực cùng phân khúc với AirAsia.
Cuộc đua giành thị phần thị trường nội địa hiện vẫn rất gay gắt, khi tốc độ tăng trưởng hành khách và hàng hóa vẫn chậm hơn tốc độ bổ sung tàu bay của các hãng. Các đường bay trục Bắc - Nam đang được các hãng khai thác tối đa. Chưa bao giờ giữa Hà Nội và TP.HCM hàng ngày có tới hơn 60 chuyến bay (cứ 15 - 20 phút có một chuyến bay), giữa TP. HCM - Đà Nẵng có trên dưới 30 chuyến bay mỗi ngày.
Điều đáng nói là, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không trong quý I/2017 đang có dấu hiệu chậm lại.
Một vấn đề đáng quan ngại nữa, hiện giá nhiên liệu bay tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng tới lợi nhuận khai thác của các hãng. Giá nhiên liệu bình quân tháng 1/2017 đạt mức 65,15 USD/thùng, tăng 1,57% so với tháng 12/2016.
Cần phải nói thêm rằng, theo dự báo của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), tỷ suất lợi nhuận của ngành hàng không toàn cầu sẽ giảm dần trong 2 năm 2017 và 2018, lần lượt đạt 7,4% và 6,6%. Điều này có nghĩa, tỷ suất lợi nhuận 8,3% trong năm 2016 có thể là đỉnh của chu kỳ tốt nhất lịch sử 100 năm hàng không thế giới.
CAPA cho biết, xu hướng giảm lợi nhuận là do giá dầu tăng và dư thừa máy bay khi các hãng hàng không ồ ạt mua máy bay thời gian qua.
“Với nền thị trường đã được phân định tương đối rõ như ở Việt Nam, việc có được thành công sẽ không dễ, ngay cả với AirAsia”, một chuyên gia nhận định.