Bầu Đức: 'Tôi không muốn đi vào lịch sử theo cách này'
Bầu Đức, bầu Tú và dấu ấn với nền bóng đá Việt Nam | |
Từ U23 Việt Nam, nhìn lại hành trình bầu Đức làm nên giấc mơ bóng đá trẻ | |
Những ông bầu thầm lặng trong hành trình thần kỳ của U23 Việt Nam |
Bầu Đức cương quyết giữ quan điểm bóng đá Việt Nam cần được cải tổ từ thượng tầng |
Bầu Đức đầu tiên lên tiếng về những lập lờ trong cách cài cắm người bất hợp lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) trước thềm Đại hội nhiệm kỳ 8. Ông nói mình sẽ phản đối tới cùng chiêu trò của VFF và sẵn sàng bỏ V-League như một kiểu bày tỏ thái độ quyết liệt, đánh dấu cột mốc phản kháng lịch sử.
“Tôi không muốn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam theo cách này một chút nào cả. Nhưng tôi phải làm để người ta thấy điều bất hợp lý không bao giờ tồn tại mãi mãi”, bầu Đức chia sẻ, “Tôi từng nhiều lần đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, từ thời Kiatisak cho đến những lần khai sinh Học viện bóng đá JMG, tham gia thành lập VPF, đi tìm và trả hai năm tiền lương cho HLV Park Hang-seo gây tiếng vang cho đội U.23 ở giải châu Á,… Nhưng lần này, việc tôi bỏ V-League và tính cửa cho cầu thủ HAGL đi chơi các giải nước ngoài bởi có một số người trong VFF tham quyền cố vị một cách quá lì lợm”.
Bức xúc của bầu Đức bắt nguồn từ khi ông chỉ ra những sự bất cập trước thềm Đại hội VFF khóa 7 như ứng viên Trần Anh Tú ngồi đến 7-8 chiếc ghế; điều kiện phải có bằng Đại học vô lý; hay ông Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chưa đủ tầm ngồi ghế Chủ tịch,…
Bầu Đức nói thẳng những điều phi lý này cả xã hội đều thấy và lên tiếng phản ứng gay gắt nhưng thật lạ từ VFF cho đến cấp trên là Tổng cục TDTT vẫn im hơi lặng tiếng suốt hơn 20 ngày qua. “Trong 20 năm làm bóng đá, tôi mất cả ngàn tỉ đồng chứ đâu có ít, mà vẫn cảm thấy vui vẻ. Bây giờ cuộc chơi phức tạp quá, nói thẳng ra nội bộ VFF chia ghế để kiếm chác từ bóng đá. Tôi đâu có điên để người ta cầm đầu muốn làm gì thì làm!", bầu Đức cười chua chát.
Ông bầu phố núi dẫn chứng ngay cả cái kiểu ứng xử mềm mỏng và dĩ hòa vi quý như ông bầu Võ Quốc Thắng cũng ức chế sau cuộc nói chuyện thân mật với ông Trần Anh Tú khi không thể giải quyết sự việc hợp lý, hợp lòng những người yêu bóng đá tử tế.
Bầu Thắng cũng khẳng khái đòi chia tay bóng đá qua hình thức tài trợ cho Long An là một cổ đông của VPF nếu tổ chức này dưới sự lãnh đạo của ông Tú xài tiền một cách vô tội vạ. Ông bầu này nói rõ hai nhiệm kỳ ông làm Chủ tịch VPF không ai trong HĐQT nhận lương, còn bây giờ không hiểu sao quá lùm xùm chuyện tiền bạc và mua sắm tiêu xài cá nhân.
Bầu Thắng kể hồi ông làm Chủ tịch VPF đã chủ động rút khỏi Ban chấp hành VFF để làm tốt phần việc mới. Còn việc bầu Thắng mới xin nghỉ VPF do ông cảm thấy quá đủ sau hai nhiệm kỳ, dẫu ai cũng “trách” ông rút lui cho người mới ngồi vào gây ra những sự vụ lộn xộn không đáng có.
Chính bầu Thắng sau lần gặp riêng ông Tú đã nhún nhường thêm một lần nữa tạo ra cuộc hội ngộ với bầu Đức để làm rõ trắng đen lần cuối cùng vào ngày 12.4 sắp tới.
Hỏi bầu Đức về cuộc gặp mặt này, ông vẫn giữ quan điểm cứng rắn trước sau như một: “Tôi đã nói thì không có hai lời. Nếu anh Tú chịu ngồi lại nói chuyện thì tôi vẫn đề nghị anh ấy hoặc bỏ VPF, hoặc không ứng cử VFF chứ ai chịu cách làm gom hết các mâm tiền của bóng đá.
Tôi hỏi nhé, ông Tú vừa làm Chủ tịch VPF, Tổng Giám đốc VPF, trưởng ba giải chuyên nghiệp, giờ sắp làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính nữa thì chỉ có ba đầu sáu tay mới làm nổi, đúng không? Ông Võ Quốc Thắng hiền lành như thế mà cũng nói “kỳ kỳ” trong lúc cả xã hội lên án tôi thấy chẳng ra làm sao cả! Thử nghĩ xem, anh Tú nắm hết VPF thì cần gì phải họp hành nữa, mỗi mình anh ấy quyết và làm thôi, còn ai dám phản biện hoặc chỉ ra cái sai để sửa?”.
Cần biết sau khi bầu Đức chỉ trích sự tham lam của ông bầu mới nổi lên ở lĩnh vực Futsal và nhảy vào ghế Ủy viên Thường trực VFF, ông Trần Anh Tú cũng có tâm thư gửi bầu Đức nhắn nhủ ông đừng bỏ bóng đá.
Chia sẻ về việc này, bầu Đức cười tỉnh bơ: “Tôi đâu có rảnh đọc cái tâm thư gì gì đó của anh Tú viết trên mạng. Nhưng nghe nói anh ta cũng đâu có trả lời thẳng vào trọng tâm những câu hỏi của tôi. Tại sao trong các cuộc họp Thường trực lẫn Ban chấp hành VFF tôi đều nói như thế, có mặt cả dàn lãnh đạo VFF, có mặt anh Tú ngồi đó sao không ai tranh luận lại tôi một lời nào, thì viết tâm thư để làm cái gì?”.
Hy vọng cuộc gặp gỡ của những ông bầu vì bóng đá Việt Nam sẽ tháo gỡ hết những vướng mắc mà như ông Trần Anh Tú từng đặt câu hỏi nghi vấn trong bức tâm thư rằng, chắc có sự hiểu nhầm gì ở đây!