Bất chấp những nỗ lực trong khu vực, giá cao su vẫn chưa thể ổn định
Với nguồn cung từ các quốc gia láng giềng một lần nữa đều đặn cung ứng cho thị trường cao su nội địa, một số thành phần trong ngành công nghiệp ở Campuchia cho biết cam kết giảm xuất khẩu giữa Thái Lan, Indonesia và Malaysia hồi tháng 12 năm ngoái đã không mang lại nhiều tác động để cải thiện tình trạng khủng hoảng giá cao su tại quốc gia này.
Tháng 12/2017, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cam kết không xuất khẩu 350.000 tấn cao su tự nhiên cho tới tháng 3 trong cuộc họp của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên. Động thái này được hình thành nhằm giúp giá cao su hồi phục trên thị trường quốc tế.
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: KT/Ven Rathavong |
Ông Horn Saphon, Giám đốc thị trường và hợp tác quốc tế của Tổng Cục Cao su cho biết, bất chấp những nỗ lực của khu vực, giá cao su vẫn không ổn định.
"Kế hoạch được triển khai nhằm hỗ trợ giá cao su, tuy nhiên, hiện đề án đã kết thúc và giá cao su vẫn không ổn định", ông Saphon nói. Ông cũng cho biết thêm cung và cầu không quan trọng trong việc định giá cao su như mọi người nghĩ, và cho rằng có những yếu tố khác tác động lên thị trường.
Theo ông Lim Heng, Phó Chủ tịch công ty xuất khẩu cao su An Mady, giá cao su đang thu mua trên thị trường quốc tế khiến người nông dân gặp khó khăn, và yêu cầu chính phủ loại bỏ thuế xuất khẩu cao su.
"Dựa trên mức giá hiện tại, các nhà sản xuất chỉ thu về lợi nhuận rất nhỏ. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan hay Việt Nam được hưởng miễn thuế, mặc dù chi phí lao động của họ trong ngành thấp hơn ở Campuchia", ông Heng nói.
Campuchia có 436.340 ha rừng trồng cao su, trong đó 170.230 ha (tương đương 39%) đang trong giai đoạn thu hoạch. Quốc gia này là nhà sản xuất mủ lớn thứ 16 trên thế giới.