|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất cập trong sử dụng thương hiệu dự án bất động sản

07:55 | 12/05/2018
Chia sẻ
Việc Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy (NBB) phủ nhận trách nhiệm chủ đầu tư tại Chung cư Carina, dù chung cư này có gắn thương hiệu NBB gây nhiều tranh cãi trên thị trường. Xung quanh vấn đề sử dụng thương hiệu cho dự án bất động sản, Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw.

Trên thị trường hiện có nhiều dự án gắn thương hiệu công ty mẹ, nhưng khi xảy ra tranh chấp, hay có vấn đề, công ty mẹ đều phủ nhận trách nhiệm chủ đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thông thường, các công ty lớn hoặc tập đoàn lớn trên thế giới sẽ sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau hoặc có một thương hiệu của tập đoàn là thương hiệu chính, có uy tín và được nhiều người biết đến. Trong nhiều trường hợp, thương hiệu là tài sản có giá trị lớn nhất của công ty và vì vậy, doanh nghiệp sẽ có một quy chế quản trị thương hiệu rất nghiêm ngặt.

Trong quy chế này, doanh nghiệp sẽ liệt kê các thương hiệu mà tập đoàn hoặc công ty mẹ sở hữu, định giá thương hiệu và đề ra cách thức sử dụng thương hiệu đó.

Về cách thức sử dụng thương hiệu, sẽ có 2 cách:

bat cap trong su dung thuong hieu du an bat dong san
Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Cách thứ nhất, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng li-xăng, hay còn gọi là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các công ty con và công ty liên kết. Hàng năm, các công ty này sẽ phải trả phí sử dụng và có trách nhiệm duy trì, cũng như bảo vệ danh tiếng của thương hiệu.

Cách thứ hai, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho công ty con hoặc công ty liên kết. Trong trường hợp này, các công ty nhận quyền sẽ được quyền sở hữu và có nghĩa vụ bảo vệ thương hiệu này.

Với những điều khoản nằm trong quy chế sử dụng nhãn hiệu như vậy, công ty mẹ sẽ chủ động và nêu ra các quyền và nghĩa vụ của các công ty liên kết, công ty con trong việc duy trì và phát triển thương hiệu.

Đặc biệt, trong quy chế cũng đề ra các biện pháp để xử lý khủng hoảng khi thương hiệu gặp sự cố và tuỳ từng trường hợp, công ty mẹ sẽ có cách giải quyết để không bị ảnh hưởng lớn bởi sự khủng hoảng của thương hiệu.

Quay lại trường hợp của NBB và công ty con tại Dự án Carina, rõ ràng, trong trường hợp này, tôi không rõ là NBB có quy chế sử dụng thương hiệu của công ty mẹ hay không, nhưng khi có sự cố xảy ra, công chúng vẫn cho rằng, Carina là dự án của NBB.

Điều này được hiểu, NBB phải là người chịu trách nhiệm chính tại Dự án Carina đúng không, thưa ông?

Thực tế, điều này đang gây ra nhiều tranh cãi, bởi trong các giấy tờ pháp lý, Công ty Hùng Thanh mới là chủ đầu tư thực sự của Carina, còn NBB chỉ là công ty mẹ của Hùng Thanh. Theo quy định pháp lý, công ty mẹ - công ty con không phải là một thực thể pháp lý, mà là một tập hợp các công ty, trong đó có một công ty mẹ và có một hoặc một số công ty con. Mỗi công ty là một pháp nhân độc lập có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình.

Tổ hợp trên không phải là một pháp nhân và nó không chịu trách nhiệm trước pháp luật hay buộc phải có nghĩa vụ với bên thứ ba với tư cách nhóm. Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập.

Nếu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn, thì công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp hay cổ phần của mình. Tuy nhiên, chúng có lợi ích liên quan nhất định với nhau và do trong mối quan hệ công ty mẹ có tính chất chi phối các quyết định của công ty con, nên luật pháp nhiều nước bắt buộc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con.

Trong lĩnh vực bất động sản, thực tế cho thấy, cứ mỗi dự án, các công ty bất động sản lại thành lập một pháp nhân để quản lý dự án đó. Công ty đó góp phần lớn vốn để giữ quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh và mời gọi một số cá nhân, tổ chức góp vốn để thành lập pháp nhân đầu tư và quản lý dự án. Đây là điều pháp luật không cấm và là chuyện không quá xa lạ với giới kinh doanh bất động sản. Do đó, có chuyện dự án dù vẫn đính kèm thương hiệu của công ty bất động sản đó, nhưng chủ đầu tư dự án lại là pháp nhân khác.

Điều này giúp công ty bất động sản dễ dàng vay vốn ngân hàng, vì một công ty bất động sản có hàng chục dự án cùng triển khai một lúc, nên khó có chuyện ngân hàng để vốn vào một công ty duy nhất. Tuy nhiên, nếu có sự cố xảy ra, thì không chỉ pháp nhân đó (công ty con) gánh chịu, mà còn ảnh hưởng đến cả thương hiệu, uy tín tín dụng của công ty mẹ.

Ở trường hợp Chung cư Carina Plaza, NBB khẳng định không phải là chủ đầu tư, nhưng lại là công ty mẹ và hậu thuẫn phía sau cho Công ty Hùng Thanh. Thế nhưng, rõ ràng giá cổ phiếu của NBB đã giảm mạnh trong mấy phiên sau vụ cháy ở chung cư này do tác động từ tâm lý nhà đầu tư, vì nói gì thì nói, NBB không thể chối bỏ được những liên đới trong Dự án Carina.

Thực tế trước đó, theo website của NBB, ở TP.HCM, ngoài Dự án Carina, Hùng Thanh còn đang đầu tư Dự án City Gate Tower. Riêng NBB đang triển khai hàng loạt dự án như NBB Garden II, NBB Garden III, Diamond Riverside và Khu phức hợp Tân Kiểng - Bình Chánh. Đây đều là những dự án cao tầng, với quy mô mỗi dự án lên tới hàng trăm căn hộ. Đó là chưa nói đến những dự án khu dân cư, khu đô thị, khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái của NBB ở Quảng Ngãi, Bình Thuận.

Với hàng loạt dự án này, hỏa hoạn ở Carina sẽ khiến Hùng Thanh nói riêng, NBB nói chung không chỉ vất vả khắc phục hậu quả, mà sẽ còn đối mặt với nhiều chông gai nếu thương hiệu bị tẩy chay.

Từ vụ việc này, chúng ta thấy rằng, hiện nay, việc sử dụng nhập nhằng thương hiệu là rất rõ. NBB ảnh hưởng, nhưng là ảnh hưởng gián tiếp, chứ không phải trực tiếp. Tại nhiều quốc gia, rất ít khi sự cố xảy ra mà lại nhập nhằng về trách nhiệm như vậy.

Vậy theo ông, cần phải xử lý như thế nào về việc sử dụng thương hiệu của dự án bất động sản?

Trước mắt, chúng ta có thể quy về trách nhiệm liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, khi dự án gắn thương hiệu không đúng tại các dự án bất động sản, thì đây là những vi phạm về Luật Quảng cáo, vi phạm về Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chẳng hạn như trường hợp Dự án Carina, người mua không quan tâm Công ty Hùng Thanh là ai, mà họ quyết định mua là vì Năm Bảy Bảy. Trường hợp của hình thức nhà phát triển của dự án cũng tương tự như vậy.

Do đó, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần phải chấm dứt kiểu nhập nhằng, vi phạm trong quản lý và sử dụng thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản. Nếu không có chế độ quản lý và sử dụng thương hiệu (nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ) rõ ràng, trong nhiều trường hợp, đây chính là những hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, mà người mua nhà là những nạn nhân.

Ở thời điểm hiện tại, phương án giải quyết khi chưa có quy định về quản lý và xử lý vi phạm sử dụng thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản, người mua nhà dù có thể hơi khó khăn, nhưng nếu chứng minh được sự liên quan, sự can thiệp, sự không vô tư của bên có thương hiệu (công ty mẹ, đơn vị phát triển dự án), thì người mua vẫn có thể yêu cầu công ty mẹ, đơn vị phát triển dự án phải cùng liên đới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho khách hàng.

Xa hơn, người mua nhà cần phải thông minh hơn, cần tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, chủ đầu tư dự án trước khi xuống tiền. Hiện Việt Nam đa số các dự án bán nhà qua sàn giao dịch, khi mua nhà dự án nào đó, người mua có thể tìm hiểu thông tin qua nhân viên bán hàng của các công ty môi giới. Ngoài ra, cần kiểm tra lại thông tin trực tiếp qua số điện thoại phòng kinh doanh chủ đầu tư để nắm rõ thông tin.

Việt Dương