|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bàn thêm chuyện thanh kiểm tra thuế một lần/năm

10:37 | 16/07/2017
Chia sẻ
Cơ quan thực thi trong ngành thuế cho rằng, rất khó để có thể thực hiện theo đúng chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm. Cốt lõi của vấn đề này là thanh tra, kiểm tra đúng quy định, trúng đối tượng.
ban them chuyen thanh kiem tra thue mot lannam
Trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Ảnh: MINH TÂM

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại buổi sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của Cục Thuế TPHCM cuối tuần rồi, dẫn chứng: để có được kết quả Công ty Holcim nộp vào ngân sách hơn 1.600 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sau chuyển nhượng cổ phần, Tổng cục Thuế đã phải tổ chức hai đoàn thanh tra thuế với hai nội dung khác nhau tại công ty này. Sở dĩ phải như vậy vì Công ty Holcim cho rằng họ không phải đóng thuế khi đây là hoạt động chuyển nhượng và hai nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Nói về việc tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp không quá một lần trong một năm, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cũng cho rằng, với ngành thuế là không hề đơn giản. Lấy ví dụ, một doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau mà một năm thực hiện hoàn thuế ba lần thì chắc chắn không thể kiểm tra một lần trong một năm và cũng không thể không trùng lắp nội dung.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra thuế với doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm của Cục Thuế TPHCM đã phát huy tác dụng, có hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc cơ quan thuế đã nắm được tình hình sức khỏe của hơn 180.000 doanh nghiệp trên địa bàn (con số Cục Thuế TPHCM thống kê là 198.696 - NV); tỷ lệ khiếu nại của doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra chỉ 4,2% (trong khi tỷ lệ bình quân của cả nước là 6,5%); giảm được số báo lỗ của doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng, tạo nguồn thu cho năm tới... Và trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Một mục tiêu được hướng đến qua công tác này là đấu tranh để giảm số báo lỗ của doanh nghiệp từ 7.000-8.000 tỉ đồng, cao hơn con số đã đạt được trong sáu tháng đầu năm.

Theo ông Tuấn, một thống kê “chưa được kiểm chứng đầy đủ” cho thấy, số doanh nghiệp khai lỗ ở cả ba khu vực kinh tế (Nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài) tại TPHCM cao nhất cả nước. Tất nhiên, trong sáu tháng đầu năm nay có một tín hiệu khá tích cực là trong số hơn 180.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, có hơn 120.000 đơn vị có kê khai thuế. Trong số này, có hơn 50% kê khai có lãi, thậm chí có tháng còn đạt tỷ lệ 56%. Đây là con số cao hơn hẳn nhiều năm trước (những năm kinh tế khó khăn, tỷ lệ này chỉ khoảng 30%). Doanh nghiệp làm ăn có lãi, đóng góp vào ngân sách đã giúp số thu từ sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành thuế càng cần phải nâng cao chất lượng của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Theo đó, hai phần ba thời gian phải được dành để chuẩn bị dữ liệu, một phần ba còn lại là làm việc tại doanh nghiệp, tránh tình trạng xuống doanh nghiệp rồi ngồi ở đó, cố tìm cho ra lỗi.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nêu quan điểm, trong tình hình ngành thuế gặp khó khăn khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì càng phải kiểm tra, thanh tra “trúng”. Muốn vậy, các công tác nghiệp vụ liên quan đến việc chuẩn bị, thu thập dữ liệu trước khi quyết định thanh tra, kiểm tra càng quan trọng. Không những thế, ngành thuế cũng phải quản lý cán bộ của mình tốt hơn. Có được hai yếu tố này thì mỗi quyết định thanh tra, kiểm tra mới đúng và trúng. Và TPHCM, theo ông Tuyến, sẽ đồng hành cùng cơ quan thuế trong công tác này.

Bình luận về câu chuyện thực thi công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế, đại diện một doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động lớn nhất của chính sách - chia sẻ với TBKTSG rằng bản thân doanh nghiệp không ngại. Thậm chí, họ còn xin được cơ quan thuế kiểm tra hàng năm để quyết toán cho xong, còn hơn là để đó, chờ đợi vài năm trong thấp thỏm không biết mình đã tự khai, tự nộp đúng sai thế nào, được chấp nhận ra sao. Quan trọng là người của ngành thuế phải theo luật mà làm; rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, tránh tình trạng “bới bèo ra bọ”...

Minh Tâm