|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bài toán lớn về nhân sự tại Vinamilk

14:49 | 25/04/2017
Chia sẻ
Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa nhìn thấy ai có khả năng vượt qua được cái bóng của bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk.
bai toan lon ve nhan su tai vinamilk
Bà Mai Kiều Liên

Các thành viên trong ban Quản trị mới của Vinamilk khá “phong phú”, đặc biệt có sự xuất hiện của Giám đốc đến từ BigC và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Coteccons. Sự tham gia của ông Nguyễn Bá Dương, một người đến từ doanh nghiệp không liên quan gì đến ngành sữa, khiến nhiều cổ đông thắc mắc.

Quyền lớn cho tiểu ban

Cũng tại Đại hội cổ đông năm nay, Vinamilk cho thấy đã có những thay đổi đáng kể. Về Ban Quản trị, Vinamilk đã cơ cấu lại, từ 6 thành viên nâng lên thành 9 người. Trong đó, 3 người giữ vị trí thành viên độc lập, dự kiến sẽ phụ trách các tiểu ban quan trọng của Vinamilk gồm: nhân sự, kiểm toán và lương thưởng.

Ngoại trừ bà Lê Thị Băng Tâm và bà Mai Kiều Liên là những gương mặt cũ, 7 nhân vật còn lại của Hội đồng Quản trị Vinamilk đều mới. Trong đó, ông Nguyễn Bá Dương và ông Đỗ Lê Hùng lại đến từ bên ngoài. Đặc biệt, ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ở Coteccons (CTD) và đây là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, một lĩnh vực hoàn toàn khác với ngành sữa của Vinamilk. Nhưng bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, giải thích: “Ông Dương là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty lớn ở Việt Nam nên có rất nhiều kinh nghiệm về quản lý. Hội đồng Quản trị đã cân nhắc rất kỹ để mời ông Dương về làm”. Dự kiến ông Dương sẽ giữ vị trí Trưởng ban Lương thưởng Vinamilk nhiệm kỳ 2017-2021.

Về phần ông Đỗ Lê Hùng (1969), một nhân vật lần đầu xuất hiện tại Vinamilk nhưng lại không xa lạ với giới kiểm toán. Trước khi về làm Giám đốc Kiểm toán và Kiểm soát nội bộ cho Big C Việt Nam (2008-2016), ông Hùng từng có hàng chục năm công tác ở Vụ Kế toán, Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.

Đối với người đại diện vốn nhà nước tại Vinamilk, từ nhiệm kỳ sắp tới, sẽ chỉ có 2 nhân vật là ông Nguyễn Hồng Hiển và bà Đặng Thị Thu Hà. Bà Hà hiện là Phó Trưởng Ban đầu tư 3, thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Riêng ông Hiển là Phó Tổng Giám đốc của SCIC. Cả hai cũng đang là thành viên quản trị ở một số công ty khác. Trên thực tế, Nhà nước đang giảm dần tầm ảnh hưởng khỏi Vinamilk. Nếu nhiệm kỳ trước, SCIC thường xuyên nắm giữ 44-45% vốn điều lệ của Vinamilk thì đến cuối năm ngoái, SCIC chỉ còn giữ hơn 39% vốn.

“Sau khi cổ đông nước ngoài có hơn 50% cổ phần thì chúng ta đã là công ty đa quốc gia rồi. Nếu SCIC thoái vốn, Nhà nước cần tiền thì ai trả cao chúng ta bán. Hơn hết chúng ta cũng chỉ là cổ đông, muốn bán giá nào là quyền của Nhà nước, mình không can thiệp được. Vấn đề là bán cho ai thì cũng cùng nhau phát triển thương hiệu và lợi ích của Công ty. Đây là thông điệp tôi muốn truyền tải để mọi người hiểu”, bà Mai Kiều Liên trả lời tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Trong khi đó, Fraser and Neave Limited (công ty mẹ của F&N Dairy Investments Pte Ltd), cổ đông lớn thứ 2 của Vinamilk, lại liên tục mua vào cổ phiếu VNM. Hiện, nhóm F&N đã nắm gần 18% cổ phần tại Vinamilk và đang đăng ký mua tiếp để nâng mức sở hữu cao hơn nữa. F&N cũng đã đề cử 2 người vào trong Ban Quản trị của Vinamilk, thay vì chỉ một người như trước. Diễn biến này tạo ra thế trận cân bằng giữa hai cổ đông lớn nhất ở Vinamilk là SCIC và F&N.

Bà Lê Thị Băng Tâm vẫn tiếp tục tham gia vào Hội đồng Quản trị Vinamilk với tư cách độc lập, do nhóm 11 cổ đông nước ngoài đề cử. Dự kiến, ngoài chức vụ Chủ tịch Vinamilk, bà Tâm sẽ là người đứng đầu trong Tiểu ban Nhân sự của Vinamilk.

Quyền lực vẫn tập trung

Song song với gia tăng số lượng các thành viên Hội đồng Quản trị, điểm đặc biệt của hoạt động quản trị Vinamilk nhiệm kỳ này là thành lập các tiểu ban. Các tiểu ban trực thuộc Hội đồng Quản trị. Riêng Tiểu ban Kiểm toán thậm chí còn thay thế cả Ban Kiểm soát ở Vinamilk. Đây là mô hình quản trị hoàn toàn mới và Vinamilk là một trong những công ty tiên phong trong việc áp dụng mô hình này.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về tính hợp pháp của mô hình, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết, Luật Doanh nghiệp cho phép công ty 2 lựa chọn là giữ theo mô hình quản trị hiện tại (mô hình hai cấp) hoặc thay đổi mô hình quản trị không có Ban Kiểm soát (mô hình một cấp). Mô hình một cấp là mô hình quản trị tiên tiến và rất phổ biến ở Anh và Mỹ.

Trên thực tế, cả 3 nhân vật đứng đầu các tiểu ban quan trọng ở Vinamilk đều cùng có mối quan hệ tốt với bà Mai Kiều Liên. Nếu như bà Băng Tâm và ông Lê Thành Liêm (Giám đốc Tài chính Vinamilk, thành viên Ban Quản trị mới) đã có thời gian cùng làm việc với bà Liên, thì ông Dương là gương mặt do chính bà Liên mời về. Như vậy, chỉ riêng về Ban Quản trị, nhóm bà Liên đã chiếm giữ gần một nửa số ghế. Đó là chưa nói, F&N là tổ chức đã tham gia đầu tư vào Vinamilk từ sớm và luôn thể hiện mong muốn gia tăng sở hữu tại đây. F&N không có lý do gì để phản đối các kế hoạch, chiến lược từ nhóm bà Liên - một tập thể đã lèo lái và đem lại nhiều thành công cho Vinamilk.

Về mặt điều hành, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng được đội ngũ quản lý với nhiều thành viên rất trung thành, đã đi cùng bà hơn 20 năm. Có thể kể ra các tên tuổi như Ngô Thị Thu Trang (Giám đốc Điều hành dự án), Lê Thành Liêm (Giám đốc Tài chính), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Giám đốc Điều hành chuỗi cung ứng), Mai Hoài Anh (Giám đốc Điều hành hoạt động)...

bai toan lon ve nhan su tai vinamilk

Sắp tới, khi Vinamilk định hướng chiến lược tiếp tục giành thế áp đảo trên tất cả các ngành sữa, tạo năng lực để chiến thắng ở ngành hàng lạnh và phát triển kênh bán hàng mới, trở thành công ty sữa tạo giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á, tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và khu vực Úc - New Zealand, đạt tới doanh thu khoảng 4 tỉ USD vào năm 2021, trở thành trụ cột tăng trưởng trong 10-20 năm nữa... Vinamilk vẫn rất cần một thủ lĩnh dày dạn chinh chiến.

Cho đến lúc này, người ta vẫn chưa nhìn thấy ai có khả năng vượt qua được cái bóng của bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk. Đây có lẽ là lý do để các tổ chức đầu tư ra sức ủng hộ các kế hoạch, chiến lược nhằm gia tăng quyền điều binh khiển tướng của bà Liên tại Vinamilk.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Viết Nguyên

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.