|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học quản trị từ vụ tranh chấp nhóm Otofun.net trên Facebook

12:29 | 05/07/2018
Chia sẻ
Những tranh chấp giống như vụ otofun.net rất dễ xảy ra ở Việt Nam, nơi đa số doanh nhân không chú trọng tới vấn đề pháp lý giữa các thành viên sáng lập.

Chiều 2/7, một thông báo của Công ty Cổ phần OTV Media lan truyền trên mạng, với nội dung cáo buộc ông Nguyễn Mạnh Thắng - người từng thôi chức Tổng giám đốc - không bàn giao thương hiệu "Otofun" cho công ty sau khi ra đi.

OTV Media khẳng định ông Thắng không bàn giao các kênh thông tin, truyền thông cho công ty sau khi từ nhiệm - bao gồm nhóm Otofun và Chợ trời Otofun. Công ty phủ nhận sự liên quan tới ông Thắng và khẳng định việc sử dụng thương hiệu Otofun hoặc nhân danh Otofun của ông Thắng là hành vi bất hợp pháp.

bai hoc quan tri tu vu tranh chap nhom otofunnet tren facebook
Văn bản chưa có dấu công ty của OTV Media trên mạng xã hội.

Đáp lại, ông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định OTV Media không có quyền đòi hai nhóm Otofun và Chợ trời Otofun trên Facebook.

"Tôi cùng với 20 thành viên khác (G21) cùng sáng lập ra forum otofun.net. Chúng tôi và các thành viên Otofun đã cùng chơi và tạo nên một cộng đồng mạnh với nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng và xã hội. Với tôi, forum otofun.net là cả một sự đam mê, toàn bộ tâm huyết của tôi dành cho sự phát triển của cộng đồng otofun cũng như forum otofun.net", ông Thắng kể.

Cựu tổng giám đốc OTV Media nói tiếp rằng, với sự phát triển của mạng xã hội (đặc biệt là Facebook), để tăng tương tác cho cộng đồng, ông đã lập ra group facebook www.otofun.net vào tháng đầu năm 2012 bằng chính tài khoản cá nhân của ông mà không hề có bất kỳ chỉ đạo, văn bản hay ủng hộ nào từ công ty cổ phần OTV, cũng như các thành viên sở hữu/quản trị (admin) diễn đàn otofun.net.

"Thậm chí, khi đó, họ còn phản đối, họ coi việc làm của tôi là vô bổ, phí thời gian", ông Thắng nói.

bai hoc quan tri tu vu tranh chap nhom otofunnet tren facebook
Bài viết của ông Nguyễn Mạnh Thắng trên Facebook để đáp trả cáo buộc của công ty OTV Media.

Ông Thắng kể rằng khi ông thôi việc tại OTV Media, công ty yêu cầu ký văn bản xác nhận nhóm otofun.net trên Facebook là tài sản của công ty và OTV sẽ dùng group này để kinh doanh trên mạng xã hội. Nhưng ông Thắng không ký vì cho rằng đây là sân chơi chung của cộng đồng chứ không phải tài sản riêng của OTV.

"Quyết định này đã tạo ra mâu thuẫn không thể hàn gắn với các thành viên G21 và rất nhiều hành động phản cảm, xuyên tạc không thể tin nổi từ một số thành viên G21 và nhóm admin của diễn đàn đã được tạo ra để tấn công vào uy tín cá nhân cũng như những lợi ích hợp pháp của tôi tại Công ty OTV truyền thông chỉ vì nhóm otofun.net trên Facebook", ông Thắng thừa nhận.

Cựu tổng giám đốc OTV khẳng định, cá nhân ông tạo ra nhóm otofun.net trên Facebook và nó đã phát triển nhờ nỗ lực của các thành viên nên họ có quyền làm chủ group này như là một sân chơi đúng nghĩa của họ. Ông nhấn mạnh rằng Công ty OTV không có bất cứ lý do, chứng cứ nào để chứng minh nó là tài sản riêng của họ.

Ý kiến của các doanh nhân

Từng rơi vào tình trạng tranh chấp với cộng sự về quyền sở hữu tài sản công ty sau khi tan vỡ, Đinh Tuấn Việt, một doanh nhân trong mảng công nghệ, khẳng định rằng những tranh chấp giống như ông Nguyễn Mạnh Thắng và OTV rất dễ xảy ra ở Việt Nam, nơi các doanh nhân khởi nghiệp không chú trọng tới pháp lý.

"Người Việt Nam vốn trọng tình cảm. Mỗi khi tôi đưa vấn đề soạn thảo văn bản pháp lý để quy định quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên nếu tranh chấp xảy ra, hai người đồng sáng lập công ty đều phản đối. Họ cho rằng chúng tôi là bạn bè lâu năm nên phải tin tưởng nhau. Với họ, một văn bản pháp lý là bằng chứng về sự không tin tưởng nhau giữa các thành viên", Việt kể.

Doanh nhân Trần Hiếu, người sáng lập Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam, nhận định rằng ngay cả khi diễn đàn của cộng đồng thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, ban lãnh đạo của doanh nghiệp nên để nó phát triển tự nhiên.

"Cái giá của ý định thương mại hóa một diễn đàn cộng đồng sẽ là tình trạng tan nát giữa những người sáng lập", ông Hiếu nhận xét.

Cũng theo anh Hiếu, nếu trước đây OTV trả thêm một khoản lương cho công việc phát triển nhóm otofun.net trên Facebook cho ông Thắng và ghi rõ vấn đề này trong văn bản thì công ty mới có lý do để đòi quyền sở hữu nhóm.

Bùi Quốc Doanh, một doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông ở TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng các bên trong vụ tranh chấp nhóm otofun.net trên Facebook nên sử dụng các chuyên gia hay dịch vụ chuyên nghiệp để giải quyết tranh chấp.

"Mỗi bên đều đưa ra lý do của họ và người ngoài cảm thấy bên nào cũng có lý. Vì vậy, họ nên nhờ tới sự hỗ trợ của những luật sư chuyên nghiệp. Cá nhân tôi ủng hộ động cơ của ông Thắng là để diễn đàn là sân chơi chung của cộng đồng", anh Doanh nói.

Khuất Trung Điền, một doanh nhân trong ngành vận tải, đã gắn bó với nhóm otofun.net trên Facebook từ lâu. Anh cho rằng nếu OTV Media và ông Thắng không thực hiên những biện pháp chặt chẽ ngay từ khi nhóm ra đời nên tranh chấp xảy ra là điều tất yếu.

"Rất nhiều trường hợp một người sáng lập công ty tạo ra giá trị mới bằng nguồn lực cá nhân và những người còn lại trong ban lãnh đạo không quan tâm tới hành vi đó. Vì thế, họ không đưa ra bất kỳ quy định nào về quyền lợi và nghĩa vụ của công ty đối với giá trị mới, cho đến khi nó trở thành một thứ có tiềm năng lớn", Điền bình luận.

Luật sư lên tiếng

Ngày 4/7, trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Vũ Thái Hà (Cty Luật TNHH YouMe) cho rằng, vụ việc tranh chấp group Facebook Otofun đang gây xôn xao trên dư luận nhiều khả năng sẽ tái diễn trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển và việc khai thác các tài sản trên mạng ngày càng mang lại giá trị kinh tế lớn và việc xác định và giải quyết tranh chấp trong môi trường mạng sẽ có rất nhiều điểm khác biệt so với môi trường truyền thống. Chính vì vậy, các tranh chấp như thế sẽ khiến cho cơ quan giải quyết tranh chấp vốn chỉ quen với tranh chấp trong môi trường truyền thống gặp vô vàn khó khăn.

Theo ông Hà, vấn đề cốt lõi của những cuộc tranh chấp này xoay quanh việc xác định được chủ sở hữu các kênh truyền thông, tài khoản mạng xã hội mà trong môi trường mạng xã hội, có thể nói người nào đang quản lý thì người đó là chủ sở hữu. Trong câu chuyện liên quan tới diễn đàn Otofun, nếu ông Nguyễn Mạnh Thắng là người lập ra group này bằng account cá nhân và điều hành group nên ông Thắng là người sở hữu.

“Bên cạnh đó, quyền quản lý, sử dụng nhóm otofun.net trên Facebook có thể được coi là một quyền tài sản. Ngoài ra, nó còn có những giá trị tinh thần khác. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn tới việc tranh chấp. Để chứng minh quyền tài sản thuộc sở hữu của OTV Media, công ty phải có các chứng cứ như văn bản quy định kênh truyền thông này do OTV Media giao nhiệm vụ cho ông Thắng thành lập và quản lý, kênh ra đời và phát triển trong thời gian làm việc của ông Thắng tại công ty và ông Thắng nhận lương để làm công việc phát triển nhóm.

bai hoc quan tri tu vu tranh chap nhom otofunnet tren facebook
Nhóm otofun.net trên Facebook là môt cộng đồng mạnh với vài trăm nghìn thành viên.

Ở góc độ nào đó, mọi người đều biết rằng, nhóm Facebook otofun.net là một biến thể trên Facebook của diễn đàn otofun.net. Sự phát triển và thành công của nhóm otofun.net trên Facebook liên quan tới diễn đàn otofun.net. Tranh chấp phải do Toà án Nhân dân giải quyết. Facebook hay Cục Sở hữu trí tuệ không phải cơ quan giải quyết tranh chấp này”, luật sư Hà nói.

Đồng quan điểm với ý kiến luật sư Hà, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: “Đây là một trường hợp tranh chấp chưa có tiền lệ. Trong vụ việc này, chúng ta phải làm rõ xem cá nhân hay doanh nghiệp là chủ sở hữu một kênh truyền thông trên mạng xã hội.

Ông Nam nói thêm rằng các bên phải xem xét việc thành lập otofun.net trên Facebook có nằm trong các quyết định của OTV Media hay không? Nguyễn Mạnh Thắng có được giao nhiệm vụ thành lập Otofun hay không? Liên quan đến những vấn đề về kinh doanh trên mạng xã hội, TAND sẽ giải quyết.

Kim Cương