|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bắc Kinh muốn xây dựng đế chế đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới

16:21 | 10/01/2017
Chia sẻ
Việc sáp nhập các nhà sản xuất đường ống để tạo thành một ông lớn duy nhất là biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng thừa cung trên thị trường. 
Công nhan sắp xếp đường ống thép tại một nhà máy ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP

Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đang nghiên cứu một kế hoạch trong đó sáp nhập các công ty nhà nước chuyên sản xuất ống thép dẫn dầu, khí gas lại làm một. Biện pháp này có thể tạo ra một nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất đường ống.

Đề xuất là một phần trong mục tiêu giảm tình trạng dư cung và tăng giá thành sản phẩm.

Tờ báo trích dẫn nguồn tin từ hai quan chức trong ngành đang được mời tư vấn cho kế hoạch nói trên, cho biết việc sáp nhập có thể đưa công suất tổng lên tới 15 triệu tấn.

"Đề xuất này đang được các nhà chức trách cũng như các công ty thép nghiên cứu", một quan chức không muốn nêu tên nói. "Nhờ nhập lại làm một, thị trường sẽ tránh tình trạng chiến tranh giá cả như hiện nay".

Hiện nay, những công ty nhà nước lớn trong ngành sản xuất ống thép không mối nối cuốn nguội là công ty Tianjin Pipe, Baosteel, Baogang Group, Ansteel và Valin Group. Các công ty này có thể tham gia vào khối nói trên.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) là những cơ quan chịu trách nhiệm điều phối nhiệm vụ này.

Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đó sẽ là một cỗ máy sản xuất khổng lồ chiếm hơn 50% thị phần trong nước của Trung Quốc.

Trước năm 1990, Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào các đường ống dẫn dầu nhập khẩu. Đến năm 1989, nước này thành lập công ty đường ống Tianjin Pipe chuyên sản xuất sản phẩm thép chuyên biệt để phục vụ thị trường trong nước.

Đến nay, đường ống do Trung Quốc sản xuất không chỉ bán nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài, ví dụ Trung Đông.

Theo ông Xu Zhongbo, Chủ tịch của Ban tư vấn Kim loại Bắc Kinh, đây là thời điểm tốt để thực hiện sáp nhập vì ngành dầu lửa đang trên đà phục hồi. "Đang có thêm nhiều đơn hàng đặt đường ống từ các công ty Trung Đông", ông này cho biết.

Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định đế chế khổng lồ sau khi sáp nhập vẫn có thể chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty tư nhân ở tỉnh Giang Tô hay Sơn Đông, vì các nhà máy tại đây đã tập trung nâng cấp trang thiết bị những năm vừa rồi, và cho ra đời những sản phẩm đường ống không thua kém tiêu chuẩn của thế giới.

Vân Vũ