Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam cần thoát khỏi tư duy an ninh lương thực
Ngành lúa gạo còn nhiều thách thức (Nguồn: Pháp luật plus) |
Thay đổi tư duy an ninh lương thực
Tại Hội thảo rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 17/3, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho hay: "Vấn đề an ninh lương thực vẫn luôn ám ảnh đất nước chúng ta từ những ngày thiếu gạo cả khi chúng ta đã xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo. Ám ảnh quá nhiều vấn đề này mới dẫn đến rất nhiều chính sách của nhà nước được ban hành nhằm khuyến khích đầu tư tốt nhất cho ngành lúa gạo. Nhưng trên thực tế hiện nay, vấn đề an ninh lương thực hoàn toàn có thể giải quyết được khi thay đổi diện tích đất đai, tăng sản lượng lúa".
Theo bà Lan, tư tưởng đó nặng nề nên sản xuất vẫn tập trunng nhiều về số lượng, đẩy mạnh nguồn cung. Trong khi đó, thị trường lúa gạo yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng, thói quen tiêu dùng của thị trường cũng ngày càng yêu cầu đa dạng sản phẩm và phù hợp với nhu cầu từng người như gạo dành cho người bệnh, người tiểu đường, người ăn kiêng.
Bà Lan nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng, lúa gạo trong tương lại thì cần thoát khỏi tư duy an ninh lương thực để tiếp cận với thị trường".
Cụ thể, bà Lan dẫn chứng, cạnh tranh lúa gạo ở những thị trường nước ngoài cũng khác nhau. Năm ngoái, những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại nhưng cũng lô hàng ấy xuất khẩu sang Nhật hay một số nước thì không có vấn đề gì. Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn xuất khẩu gạo vào Mỹ khác với một số nước khác về các chỉ tiêu thuốc bảo vệ, thuốc bảo quản.
Bên cạnh đó, ngành gạo không nên chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài mà cần phải quan tâm đến ngay thị trường trong nước. Bởi đây cũng là một thị trường lớn khi nhu cầu ngày càng tăng, yêu cầu chất lượng cũng cao.
Đồng quan điểm, TS Đặng Quang Vinh, đại diện CIEM cho hay: "An ninh lương thực cũng nên được nhìn nhận là dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng quan trọng hơn lượng gạo. Ngoài ra, vấn đề thu nhập cũng là quan trọng vì sản lượng gạo trong nước dư thừa".
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng cho rằng: "Trong 5 năm nữa sẽ có cạnh tranh gay gắt về phân khúc thị trường. Không chỉ Việt Nam, các nước hiện nay cũng đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng gạo theo nhu cầu thị trường, nên buộc Việt Nam cũng phải thay đổi để có thế mạnh về giá, chất lượng hay thương hiệu. Chính xác là chúng ta xuất khẩu gạo nhưng không tận dụng được hết thế mạnh về gạo như chế biến sâu, làm nhiều sản phẩm về gạo như nước gạo, mỹ phẩm gạo...".
Thách thức tương lai của ngành gạo
TS Đặng Quang Vinh nói, ngành lúa gạo trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, vấn đề đất đai của nông nghiệp phân nhiều mảnh nhỏ khiến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất khá khó khăn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, ngập mặn, hạn hán cũng ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, thói quen canh tác dùng nhiều hoá chất vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm vừa gây ô nhiễm môi trường.
Ông Vinh cho biết: "Đáng chú ý, hiện nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn nắm vị thế độc quyền đã tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này dễ dẫn đến xin - cho, tiêu cực".
Đại diện CIEM cũng nhấn mạnh, tương lai ngành lúa gạo sẽ tiếp tục ảm đạm nếu còn duy trì diện tích và sản lượng cao trong khi bỏ qua vấn đề chất lượng. Cụ thể, nếu ngành lúa gạo còn đặc biệt trọng cung, coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân.
Trước những thách thức của ngành gạo, ông Vinh khuyến nghị bỏ mục tiêu duy trì sản lượng 39 - 40 triệu tấn thóc, xuất khẩu 6 tấn gạo.
Về xuất khẩu thì cần bỏ điều kiện xuất khẩu gạo đã quy định trong nghị định 109 trước đó liên quan đến kho chứa, xay xát... để tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị gia tăng cao với khối lượng nhỏ.
Ngoài ra, đặc quyền có tính quản lý nhà nước của VFA cũng được khuyến nghị bỏ. Theo đó, VFA cần được tổ chức lại như một hiệp hội ngành hàng bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp, các thành viên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.
Theo thống kê của VFA, tính đến ngày 28/2, xuất khẩu gạo theo hợp đồng đăng ký giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1,85 triệu tấn; số gạo trong hợp đồng còn lại chưa giao là 1,170 triệu tấn; tồn kho gạo trong doanh nghiệp là 977.000 tấn. |