Ba nền kinh tế nổi bật ở châu Á năm 2017
Ảnh minh họa: Reuters |
Theo CNBC, chuyện Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi suất ba lần trong năm 2017 và lập trường bảo hộ tại Washington là hai yếu tố có lợi cho ba nước trên.
“Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và thậm chí Trung Quốc khó có khả năng phục hồi trong năm nay. Lời khuyên của chúng tôi là tìm đến các nền kinh tế định hướng quốc nội như Ấn Độ và Indonesia, nơi mà mức nợ tương đối thấp và tiêu dùng nội địa mạnh”, Frederic Neumann, giám đốc kiêm đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC cho biết.
Dù ngân hàng giữ quan điểm thận trọng về triển vọng chung của châu Á, cảnh báo rằng mức tăng trưởng khu vực sẽ chậm trong năm nay thay vì tăng đáng kể, ba nước kể trên vẫn được xem là những điểm sáng.
Chỉ số chứng khoán SET của Thái Lan thể hiện tốt thứ nhì châu Á năm 2016 với việc tăng 20%, được thúc đẩy bởi giá dầu phục hồi. Giới đầu tư cũng thở phào khi tình hình chính trị ở Thái Lan ổn định. Hồi tháng 10.2016, từng có nhiều lo ngại về việc Đức vua Bhumibol Adulyadej qua đời và thời gian để tang ông sẽ châm ngòi một cuộc chiến quyền lực, dẫn đến thiệt hại về kinh tế lẫn chính trị.
Trong khi đó, tiền tệ Ấn Độ và Indonesia giờ đây được dự báo là tương đối ổn định ngay cả khi Fed thắt chặt chính sách. Cải cách về thuế quan trọng của hai nước này cũng được giới đầu tư nhìn nhận tích cực.
Tháng 7.2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát động chương trình ân xá thuế, thu về khoảng 7,7 tỉ USD cho ngân sách chính phủ tính đến ngày 20.12. Wellian Wiranto, nhà kinh tế thuộc OCBC, đặc biệt lạc quan về nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Ở quốc gia Nam Á, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động việc đổi tiền nhằm mục đích mở rộng kho bạc và thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số. Ngoài ra, tăng trưởng đầu tư - một chỉ số quan trọng của sức khỏe nền kinh tế - cũng được cho là sẽ tăng 5,6% trong năm nay từ mức 4,5% năm 2016.