Ba năm mỏi mòn, Saigontourist vẫn quyết tâm thoái vốn Saigonbank
Trong năm nay, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) lên kế hoạch đấu giá hơn 10,75 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – SGB), chiếm 3,49% tổng số cổ phần đang lưu hành của ngân hàng.
Mục đích thoái vốn nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không cần nắm cổ phần, thu hồi vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp và cơ cấu lại các đơn vị thành viên của Saigontourist.
Đây là toàn bộ cổ phần Saigontourist đang sở hữu tại SGB. Với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp, dự kiến Saigontourist có thể thu về ít nhất 107,5 tỷ đồng nếu đấu giá thành công.
Trước đó vào 2015 và 2016, Saigontourist cũng đã có hai lần đấu giá lượng cổ phần này của Saigonbank với các mức giá khởi điểm lần lượt là 9.756 đồng/cp và 9.757 đồng/cp nhưng đều bất thành, khi không có nhà đầu tư nào tham gia mua.
Trong khi đó gần thời điểm với Saigontourist thoái vào ngăm ngoái, chỉ với hai nhà đầu tư đăng ký mua, VietinBank lại may mắn bán được gần 16,88 triệu cổ phần Saigonbank với giá 12.500 đồng/cp, thu về 211 tỷ đồng.
Saigonbank chi nhánh Đà Nẵng. |
Saigonbank được thành lập vào năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng, đến nay tăng lên 3.080 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, Saigonbank có 1 Hội sở, 33 chi nhanh và 56 Phòng giao dịch khắp cả nước.
Tính đến cuối tháng 3/2017, cơ cấu cổ đông ngân hàng cho thấy Saigontourist và VietinBank đang nắm lần lượt 3,49% và 4,91% vốn cổ phần, Văn phòng Thành ủy TP HCM nắm 18,18%.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, ông Trần Quốc Hải đã từ nhiệm chức Chủ tịch và ông Nguyễn Ngọc Điểu từ nhiệm Thành viên HĐQT Saigonbank. Thay vào đó, đại diện Văn phòng Thành ủy TP HCM- ông Phạm Văn Thông lên nắm chức Chủ tịch.
Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM Phạm Văn Thông làm Chủ tịch Saigonbank | |
ĐHĐCĐ Saigonbank: Chủ tịch Trần Quốc Hải rời HĐQT |
Thay đổi nhân sự chưa dừng ở đó, bà Trần Thị Việt Ánh sau hơn 20 năm gắn bó với Saigonbank cũng đã từ nhiệm chức Tổng Giám đốc. Ông Vũ Quang Lãm – Thành viên HĐQT được bầu làm Tổng Giám đốc thay bà Ánh.
Trong một diễn biến liên quan, em gái bà Ánh là Trần Thị Việt Thu đăng ký 1 triệu cổ phiếu Saigonbank vào đầu tháng 6 nhưng đã bất thành.
Năm 2016, Saigonbank chưa hoàn thành việc tăng vốn cũng như các chỉ tiêu về huy động, cho vay. Các hoạt động dịch vụ chưa phát triển, sản phẩm ít nên tổng thu dịch vụ trên tổng thu nhập Ngân hàng thấp, chỉ chiếm khoảng 9,7% trong năm 2016.
Saigonbank cũng thừa nhận việc quảng bá thương hiệu năm qua không đạt hiệu quả mong muốn do kinh phí đầu tư hạn chế theo chủ trương tiết kiệm, cắt giảm chi phí.
Mặt khác, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ 1,88% vào năm 2015 lên 2,63% vào năm 2016. Điểm tích cực là Ngân hàng vẫn đều đặn chi trả cổ tức bằng tiền. Trong năm 2014 là 3%, năm 2016 là 4%, kế hoạch năm nay là 5%.
Năm 2017, Saigonbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 23.140 tỷ đồng, dư nợ cho vay 14.800 tỷ đồng, huy động vốn đạt 18.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng, tăng trưởng 55%.
Nguồn: SGB. |
Bên cạnh đó, Ngân hàng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) duy trì ở 15% - 16%; tiếp tục tập trung đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với dịch vụ ngân hàng bán lẻ, Saigonbank tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá trở lên, phát triển sản phẩm liên kết, bán chéo sản phẩm.
Quý I/2017, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank đạt 121 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2016; trong kỳ ngân hàng không thực hiện trích lập dự phòng nên lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng trưởng mạnh 51%, đạt 117 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/3/2017 của Saigonbank là 2,62%.