|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Asanzo tuyên bố tạm dừng hoạt động do 'kiệt quệ tài chính, tinh thần'

23:08 | 30/08/2019
Chia sẻ
Chiều tối nay, 30/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động do "kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần".
avatar_1567180743116

Chiều tối nay, 30/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động do "kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần"

Chiều tối nay, 30/8, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo) tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.

"Hôm nay là 30/8/2019, là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo chúng tôi, và là dấu mốc 70 ngày kể từ ngày xuất bản bài báo đầu tiên của Tuổi Trẻ cáo buộc chúng tôi gian lận xuất xứ.

Trong 70 ngày ấy, cứ mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác", thông cáo báo chí của Asanzo viết.

Cùng ngày, Asanzo cũng phát đi "Thông báo tạm dừng mọi hoạt động của công ty" gửi đến các khách hàng, đối tác, cơ quan và những người quan tâm.

Trong thông báo này, Asanzo giãi bày: Thời gian qua, công ty đã phải tiếp, làm việc và giải trình nhiều đoàn công tác thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Thuế...). 

Việc yêu cầu cung cấp tài liệu (kế toán, chứng từ, hợp đồng, kể cả bí mật kinh doanh...) ròng rã suốt 2 tháng đã khiến gần như toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp bị tê liệt, dẫn đến "kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần", nên buộc phải tạm dừng hoạt động.

Vụ việc về Asanzo thời gian qua thu hút sự chú ý của cộng đồng. 

Sau khi Báo Tuổi trẻ và một số cơ quan báo chí đăng tải loạt bài viết phản ánh Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác (Trung Quốc) nhưng gắn mác xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, công ty này đã kiện báo Tuổi trẻ ra toà với cáo buộc thông tin sai sự thật.

Thủ tướng Chính phủ giao đã giao Bộ Tài chính; Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thông tin được Asanzo công bố, trong vài năm trở lại đây, công ty đã sản xuất, bán ra thị trường cả triệu chiếc tivi, chưa kể các sản phẩm điện tử, điện lạnh và hàng gia dụng khác với doanh thu nhiều ngàn tỷ đồng.

Để làm rõ năng lực sản xuất cả triệu chiếc tivi như công bố của Asanzo, Báo Giao thông đã đề nghị ông Ngô Văn Tam cung cấp con số cụ thể về diện tích nhà xưởng, số lượng công nhân được đóng bảo hiểm, chi phí lương của tập đoàn, song ông Tam chỉ thông tin chung chung là "đủ năng lực sản xuất" và đang "nuôi" khoảng 2.000 lao động.

Một thông tin đáng chú ý khác, qua sàng lọc danh sách do báo chí cung cấp và Bộ Công an chuyển sang, Tổng cục Hải quan đã xác định có đến hơn 30 doanh nghiệp liên quan việc nhập hàng Trung Quốc cho Asanzo; trong đó, có một doanh nghiệp đã bị khởi tố, 14 doanh nghiệp "ma" (đã ngưng hoạt động hoặc không có địa chỉ như giấy phép đăng ký kinh doanh).

Tuy nhiên, điều tra của Báo Phụ nữ TP HCM cho thấy, phần lớn người đại diện pháp luật của 14 đơn vị "ma" nhập hàng cho Asanzo được chính tập đoàn này đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, ngay sau khi có quyết định thanh tra thuế, Tập đoàn Asanzo đã có dấu hiệu nháo nhào khai báo bổ sung một số sắc thuế, với số tiền phải thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhiều tờ khai thuế trước đó bằng 0, sau khi có quyết định thanh tra "nhảy phóc" lên hàng chục tỷ đồng.

Mã Lương

Triển vọng và ba tiêu chí lựa chọn cổ phiếu bất động sản cho năm 2025
Trong khi nhà đầu tư và giới phân tích vẫn đang có quan điểm khá thận trọng về triển vọng đầu tư với cổ phiếu bất động sản, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu của CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá khả quan về nhóm ngành này.