Áp lực xử lý bóng ma nợ xấu
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tính đến hết tháng 6/2016, ở mức 2,58%, giảm 0,2% so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, báo cáo tài chính vừa được công bố của một số tổ chức tín dụng cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng tại nhiều ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay, nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Đây tiếp tục là áp lực mà các ngân hàng phải đối mặt khi giải quyết vấn đề nợ xấu.
VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được khoảng 34.000 tỷ đồng nợ xấu
Thống kê tại 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường đến cuối tháng 6/2016 cho thấy, các ngân hàng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015. Bên cạnh đó, tại các ngân hàng quy mô nhỏ, sau quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại (M&A), nợ xấu tăng và tuy đã bán với khối lượng lớn cho VAMC, nhưng họ vẫn đang chật vật để xử lý. Nợ xấu tăng, việc trích lập dự phòng rủi ro đã bòn rút phân nửa lợi nhuận các ngân hàng và sẽ còn đeo đẳng các ngân hàng trong nhiều năm tới.
Mặc dù đã giảm nhẹ so với đầu năm 2016, song theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 6/2016, nợ xấu trên địa bàn là 3,89%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Chi nhánh cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đầu năm 2016 là 4,02%, nhưng đến ngày 30/6 đã giảm nhẹ còn 3,89%. Nếu trừ 3 ngân hàng 0 đồng (CBank, OceanBank, GPBank), nợ xấu chỉ còn 2,01%.
Kết quả thu hồi nợ ít ỏi của VAMC cho thấy, tốc độ xử lý nợ xấu của công ty này còn chậm bởi nhiều lý do, trong đó vướng nhất là cơ chế và quyền lực còn nhiều bó buộc. Từ ngày 1/10/2013 đến 18/6/2016, VAMC đã mua 24.618 khoản nợ với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 211.993 tỷ đồng. Trong đó, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng mới thực hiện thu hồi được khoảng 34.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng đã bán lượng nợ xấu lớn cho VAMC cũng từng bước xử lý và thu hồi nợ, thậm chí chấp nhận hy sinh một phần nợ gốc và lãi dự thu. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong 6 tháng đầu năm nay, đã xử lý được khoảng 1.200 tỷ đồng nợ xấu. 6 tháng cuối năm, SCB kỳ vọng sẽ thu hồi được khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu giảm thì dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, nên lợi nhuận của Ngân hàng trong năm nay chưa thể kỳ vọng đạt mức cao. 6 tháng đầu năm 2016, SCB trích lập dự phòng rủi ro khoảng 1.000 tỷ đồng và quỹ dự phòng của Ngân hàng hiện đã tăng lên khoảng 6.000 tỷ đồng.
Kế hoạch của Ngân hàng Á Châu (ACB) trong năm 2016 là giải quyết ít nhất 1.000 tỷ đồng từ các khoản nợ của nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến “bầu” Kiên, trong đó 200 tỷ đồng đã được ghi nhận dự phòng và ít nhất 100 tỷ đồng đã được thu hồi trong quý 1/2016. Tuy nhiên, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu. Việc tiếp nhận hồ sơ, thi hành án còn nhiều phức tạp, đó là chưa nói đến sự thiếu hợp tác từ phía khách hàng.
Mới đây, NHNN đã ban hành một số văn bản nhằm mở rộng đường cho VAMC trong vấn đề xử lý nợ xấu. Đó là Quyết định số 618/2016/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Tiếp đến là Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Điểm đáng chú ý của Thông tư này là đã trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có cơ hội ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ...
Theo Vân Linh
Đầu tư