|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ấn Độ xóa sổ tờ 500 và 1.000 rupee để chống tham nhũng

01:38 | 09/11/2016
Chia sẻ
Hai tờ tiền có mệnh giá cao 500 và 1.000 rupee sẽ bị rút khỏi lưu thông khi Ấn Độ đối phó với tình trạng tài sản chìm và tham nhũng. 
Một người phụ nữ xếp hàng chờ đợi để gửi xấp tiền 1.000 rupee vào máy gửi tiền tại một ngân hàng ở Mumbai, Ấn Độ tối 8/11/2016. Ảnh: Reuters

Trong một bài phát biểu tối thứ Ba theo giờ Ấn Độ, Thủ tướng nước này, ông Narendra Modi bất ngờ tuyên bố rút khỏi lưu thông từ nửa đêm đối với hai tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee.

Tờ 500 rupee (tương đương 7,5 USD) và 1.000 rupee sẽ dừng vai trò tiền được giao dịch chính thức kể từ thứ Tư.

Những tờ tiền còn nằm trong lưu thông sẽ phải đem nộp vào ngân hàng trước khi kết thúc tháng 12, Thủ tướng tuyên bố trong thông điệp. Đây là lần đầu tiên kể từ 1978, chính phủ Ấn Độ rút tiền ra khỏi lưu thông.

Theo Thủ tướng, biện pháp này nhằm đối phó với nạn tiền bẩn, đưa hàng tỷ USD tiền bẩn, không có nguồn gốc rõ ràng quay lại nền kinh tế, đồng thời để đối phó với vấn nạn dùng tờ 500 rupee giả để duy trì các hoạt động phi pháp.

"Tiền bẩn và tham nhũng là những trở ngại lớn nhất trên con đường xóa bỏ đói nghèo", ông nói trong tuyên bố sau cuộc họp nội các.

Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng trốn thuế và thu hồi những khoản tiền chìm, thường được dân địa phương gọi là tiền đen đang cất giấu ở hải ngoại. Động thái chưa từng có của ông Modi lần này cũng tương tự hành động ở châu Âu, khi ECB ngừng lưu thông tờ bạc trị giá 500 euro để chấm dứt việc dùng tờ tiền này vào các hoạt động phi pháp.

Hiện có khoảng 15,5 tỷ tờ tiền mệnh giá 500 rupee và 6,7 tỷ tờ 1.000 rupee đang trong lưu thông, theo Phó Thống đốc ngân hàng trung ương R. Gandhi.

Bộ Tài chính nước này cho biết Ấn Độ sẽ cho ra mắt tờ 500 và 2.000 rupee mới vào 10/11. Tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee cũ có thể đem gửi vào ngân hàng hoặc bưu điện từ 10/11 đến 30/12.

Người dân xếp hàng đi gửi tiền

Ngay sau khi lời tuyên bố được phát đi, nhiều người đã đi đến xếp hàng trước các máy tự động gửi tiền của Ngân hàng ICICI ở Mumbai để nhét tờ 500 và 1.000 rupee vào máy.

Sau 10 phút, chiếc máy đã dừng hoạt động. Chỉ có hai người gửi tiền vào máy thành công. Bảo vệ thông báo rằng chiếc máy đã đến giới hạn và không thể nhận thêm tiền được nữa.

Tài xế taxi Anu Choudhury ở Delhi cho biết vừa nhận được điện thoại của sếp, chỉ đạo không nhận tiền 500 hay 1.000 rupee từ khách hàng.

Bảo vệ giải thích với khách hàng sau khi máy gửi tiền tự động ngừng hoạt động ở Mumbai tối 8/11/2016. Ảnh: Reuters

Tiền "to" chảy ra khỏi Ấn Độ

Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi lên nắm quyền từ năm 2014, cam kết sẽ dẹp nạn tiền chợ đen. Tuy vậy, có những số liệu cho thấy có một lượng tiền lớn vẫn chảy ra khỏi nền kinh tế chính thức.

Báo cáo của nhóm think-tank Global Financial Integrity từ Washington, Mỹ ước tính rằng Ấn Độ đã mất 344 tỷ USD tiền ra ngoài từ 2002 đến 2011.

Hiện 40% nền kinh tế Ấn Độ được vận hành bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chủ yếu dựa vào giao dịch tiền mặt. Giới kinh tế cho rằng động thái lần này có thể làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói trên và từ đó có tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Còn với nhiều giới chức Ấn Độ, tuyên bố tối thứ Ba là hành động quyết liệt hiếm có trong hàng thập kỷ trong cuộc chiến chống lại tiền bẩn.

"Một mặt, chúng tôi đứng số một về tăng trưởng kinh tế và mặt khác, chúng tôi đứng thứ 100 thế giới về xếp hạng tham nhũng", Thủ tướng Modi nói trong bài phát biểu của mình. "Bất chấp nhiều biện pháp, chúng ta chỉ cải thiện lên vị trí 76".