Ấn Độ bỏ hội nghị 'Con đường Tơ lụa', cảnh báo rủi ro mắc nợ
Hàng chục lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước đã đến Bắc Kinh dự hội nghị do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm 14/5, nhằm quảng bá tầm nhìn của ông về "Con đường tơ lụa" mới, mở ra các tuyến đường thương mại trên toàn thế giới.
Một binh sĩ Trung Quốc canh gác bên ngoài nơi tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Reuters cho biết Ấn Độ không cử các quan chức chính phủ đến hội nghị này. Thay vào đó, một nhóm học giả Ấn Độ đã đến Bắc Kinh dự một số hội thảo trong khuôn khổ diễn đàn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay nói Delhi không chấp nhận một dự án mà buộc nước này phải thỏa hiệp về chủ quyền.
New Delhi bực tức vì một dự án chính của "Một vành đai, một con đường (OBOR)" đi qua vùng Kashmir và Pakistan. Hai quốc gia này đã trải qua ba cuộc chiến vì tuyên bố chủ quyền ở Kashmir.
"Không quốc gia nào có thể chấp nhận dự án mà bỏ qua những quan ngại chính đáng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước mình", ông Baglay nói.
Vùng Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan có tranh chấp. Ảnh: CNN |
Người phát ngôn này cũng cảnh báo về gánh nặng nợ phát sinh. Một trong những lý do dự án OBOR bị chỉ trích là quốc gia sở tại sẽ phải nỗ lực để trả lại những khoản vay cho các công trình cơ sở hạ tầng khổng lồ. Các công trình này do công ty Trung Quốc thi công, sử dụng vốn vay do các ngân hàng Trung Quốc cấp.
"Những sáng kiến mang tính kết nối phải tuân thủ các nguyên tắc về trách nhiệm tài chính để tránh những dự án sẽ đẻ ra gánh nặng nợ khổng lồ cho cộng đồng", ông Baglay nói.
Trong bài phát biểu chính tại sự kiện Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế tại Bắc Kinh sáng 14/5, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết dành số tiền 124 tỷ USD cho dự án OBOR. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sáng kiến này "phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia". Ông kêu gọi các nước tham gia cùng chống lại chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.