Amazon, Lazada sớm phải nộp thuế cao tại hàng loạt nước Đông Nam Á?
Ảnh: Wanderworld |
Trong tuần tới, chính phủ Singapore có thể sẽ công bố đánh thuế thương mại điện tử. Động thái này đánh giá phản ứng đầu tiên từ phía chính phủ một nước Đông Nam Á trước làn sóng thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh đe dọa sự phát triển của kinh doanh truyền thống.
Bloomberg đã thực hiện một cuộc khảo sát với một số chuyên gia kinh tế tại Singapore, trong đó phần lớn các chuyên gia dự báo kế hoạch ngân sách công bố ngày 19/2/2018 của chính phủ Singapore sẽ có công bố về mức thuế mới áp dụng với những người kinh doanh trên mạng, ngoài ra, những giao dịch số liên biên giới cũng sẽ được tính gộp vào việc tính thuế hàng hóa và dịch vụ.
Chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia, trong nỗ lực tìm kiếm nguồn tài chính cho nhiều dự án hạ tầng tốn kém, cũng đang tính đến các biện pháp tương tự.
Trong bối cảnh hàng loạt trang thương mại điện tử như Lazada thuộc sở hữu của Alibaba hay Amazon tăng trưởng ấn tượng về doanh số bán hàng, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang cố gắng làm cho sân chơi dành cho các công ty bán hàng truyền thống trở nên công bằng hơn.
BMI Research dự báo hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng bùng nổ tại sáu nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á sẽ giúp tổng quy mô của thương mại điện tử Đông Nam Á chạm mức 64,8 tỷ USD vào năm 2021 từ mức 37,7 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong khi đó, theo dự báo của Credit Suisse AG, trong vài năm tới, tăng trưởng của thương mại điện tử tại châu Á sẽ có thể cao gấp từ 6 đến 10 lần tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống.
Một mức thuế đánh vào thương mại điện tử sẽ giúp cho những nhà kinh doanh truyền thống suốt thời gian qua chật vật bán hàng khi thương mại điện tử phát triển đỡ khó khăn hơn, theo khẳng định của chuyên gia phân tích thị trường tại BMI, ông Nainika Singh. Ông đồng thời tin rằng chính phủ nhiều nước Đông Nam Á khác sẽ sớm đưa ra biện pháp tương tự.
Cho đến nay, dù chính phủ Singapore khá kín tiếng trong các kế hoạch đánh thuế, họ đã nhiều lần nói đến yêu cầu bức thiết của việc cần phải tổ chức lại việc đánh thuế đối với các nhà kinh doanh trực tuyến.
Tính đến hiện tại, những người bán hàng với giá trị hàng hóa dưới 300USD không phải đóng thuế ở Singapore, thế nhưng khi mà ngành này đang thay đổi nhanh chóng, đã đến lúc cần tính đến một luật thuế mới, theo khẳng định của Bộ trưởng phụ trách Tài chính và Luật pháp Singapore, ông Indranee Rajah được đưa ra vào tháng 11/2017.
Trong một bài phỏng vấn với giới truyền thông trong tuần trước, ông cho biết chính phủ Singapore đang cân nhắc đánh thuế thương mại điện tử và nhiều khả năng sẽ áp dụng nó.
Cơ quan thuế của Thái Lan trong khi đó đang tính đến việc một mức thuế mới đánh vào thương mại điện tử sẽ giúp tăng trưởng doanh thu thuế từ ngành này lên cao gấp ba lần so với hiện nay, theo Bangkok Post đưa tin.
Mức trần thuế được áp dụng sẽ là 15% và sẽ áp dụng với những nhà kinh doanh trực tuyến có đăng ký tên miền ở Thái Lan, đồng thời hệ thống thanh toán khi mua hàng được tính bằng đồng bath Thái cũng như tiền mua hàng được chuyển bên trong đất nước.
Tại Indonesia, nơi thương mại điện tử đang tăng trưởng bùng nổ, chính phủ Indonesia đang cần nguồn thu thuế, nhu cầu tăng thuế đang trở nên bức thiết.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, vào ngày 19/1/2018, phát biểu với báo giới rằng chính phủ sẽ sớm công bố luật mới về thương mại điện tử sau khi có các cuộc tham vấn với nhiều bộ ngành.
Theo quan điểm do chính Bộ trưởng chia sẻ, chính phủ Indonesia muốn đánh thuế với thương mại điện tử để bảo vệ những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Indonesia hiện đang mang đến nguồn thu thuế quan trọng.
Tại Malaysia, cơ quan thuế Malaysia đã nói đến kế hoạch đánh thuế các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài nhiều tháng qua. Dù cho đến nay, chưa có gì được công bố rõ ràng nhưng BMI nhận định Malaysia sẽ sớm đánh thuế 6% đối với doanh nghiệp thương mại điện tử.