|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Algeria thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

12:33 | 24/07/2020
Chia sẻ
Doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Algeria buộc phải liên doanh với đối tác địa phương và chỉ được nắm giữ 49% trong tổng vốn góp.

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria cho hay, đầu tháng 6, trong khuôn khổ Luật tài chính bổ sung nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Algeria đã loại bỏ quy định 51/49 áp dụng từ năm 2009.

Theo đó doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào nước này bắt buộc phải liên doanh với đối tác địa phương và chỉ được nắm giữ 49% trong tổng vốn góp. 

Việc loại bỏ quy định này là một bước tiến đáng kể nhằm cải thiện sự hấp dẫn của nền kinh tế Algeria đối với dòng vốn FDI.

Chính sách đầu tư mới

Kể từ đầu năm 2020, tình hình kinh tế Algeria ngày càng trở nên khó khăn. Thu ngân sách và dự trữ ngoại hối giảm mạnh do giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, đồng bản tệ dinar mất giá so với euro và chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì trợ cấp xã hội. 

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến kinh tế Algeria càng thêm suy yếu. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng trong việc quyết định đầu tư vào Algeria.

Nhằm tăng cường thu hút FDI, đầu tháng 6/2020, chính phủ Algeria đã quyết định loại bỏ quy định 51/49. 

Cụ thể, theo Luật tài chính bổ sung năm 2020, trừ các hoạt động mua đi bán lại sản phẩm (nhập về bán lại nguyên trạng), kinh doanh sản phẩm mang tính chiến lược và thuộc các lĩnh vực được xác định trong Luật theo đó quy định cổ đông người Algeria phải nắm giữ 51% số vốn, thì mọi hoạt động khác liên quan đến sản xuất và dịch vụ đều được mở cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần có sự cam kết phải thiết lập đối tác với một bên là người địa phương.

Mặt khác, Luật tài chính bổ sung cũng loại bỏ quyền ưu tiên được mua áp dụng từ năm 2009 do Nhà nước được hưởng trong trường hợp đối tác nước ngoài nhượng lại cổ phần. 

Đồng thời, Luật hủy bỏ nghĩa vụ phải sử dụng các nguồn vốn địa phương để tài trợ các dự án đầu tư nước ngoài tại Algeria.

Những lĩnh vực được xem là chiến lược bao gồm:

- Khai thác mỏ và mọi tài nguyên ngầm hay trên mặt đất (trừ những mỏ không sản xuất khoáng sản), các hoạt động đầu vào thuộc lĩnh vực năng lượng và tất cả các lĩnh vực khác chịu sự chi phối của luật về dầu khí hidrocacbon, 

- Các hoạt động khai thác mạng lưới phân phối, vận chuyển năng lượng điện bằng đường cáp và hidrôcacbon dạng khí hoặc lỏng bằng đường ống trên mặt đất hoặc ngầm,

- Các ngành công nghiệp gắn liền với công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, đường sắt, cảng, sân bay và ngành công nghiệp dược (ngoại trừ các khoản đầu tư gắn liền với hoạt động sản xuất những sản phẩm cơ bản đổi mới có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi công nghệ phức tạp).

Chính sách đầu tư trước đó của Algeria

Tháng 7/2016, Thượng viện Algeria đã thông qua Bộ luật đầu tư mới chủ yếu liên quan đến các quy định về xúc tiến đầu tư trong đó nêu rõ miễn thuế quan và thuế VAT đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu “trực tiếp phục vụ việc thực hiện đầu tư”.

Bộ luật cũng quy định những biện pháp miễn thuế (thuế lợi nhuận doanh nghiệp và thuế hoạt động nghề nghiệp) trong ba năm đối với hoạt động mới cũng như miễn thuế đất 10 năm đối với các bất động sản nằm trong khuôn khổ đầu tư.

Theo chính quyền Algeria, Bộ luật này nằm trong đề án rộng lớn về đa dạng hóa nền kinh tế đất nước trong bối cảnh thu nhập từ nguồn khí hydrocacbon bị giảm sút.

Vì vậy, bộ luật cũng nêu rõ những ưu đãi bổ sung đối với các hoạt động ưu tiên (công nghiệp, nông nghiệp và du lịch), đặc biệt là kéo dài thời hạn miễn thuế cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Algeria vẫn duy trì điều khoản 51/49% trong đó yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải nắm phần đa số trong các dự án đầu tư có người nước ngoài tham gia (trừ lĩnh vực ngân hàng).

Theo một báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Algeria năm 2019 đã giảm nhẹ đạt 1,382 tỉ USD (so với 1,466 tỉ USD năm 2018).

Lũy kế đến cuối năm 2019, Algeria đã thu hút được gần 32 tỉ USD số vốn FDI. Những lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư nhất là thăm dò, khai thác dầu khí và lắp ráp ô tô.