|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ai quản vốn doanh nghiệp nhà nước?

16:32 | 06/05/2017
Chia sẻ
"Trọn gói" những vấn đề về phát triển kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước, kinh tế tư nhân đang được thảo luận tại Hội nghị trung ương 5. 

Vẫn còn tư duy cái nào thuận lợi, "miếng nào ngon" thì DN nhà nước “xơi”, vì thế có tình trạng chậm trễ trong cổ phần hóa các DN nhà nước

Ông NGUYỄN VĂN THÂN

Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia kinh tế để cùng tìm lời giải cho câu hỏi mà Tổng bí thư đã đặt ra: Vì sao những hạn chế, yếu kém của DN nhà nước đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?

Tách bạch quản lý vốn với quản lý nhà nước

Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những giải pháp để quản lý DN nhà nước hiệu quả hơn đó là bỏ cơ chế bộ chủ quản để thiết lập mô hình quản lý DN nhà nước phù hợp.

Ông Đặng Quyết Tiến - phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính - cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình cổ phần hóa cũng như tái cấu trúc DN nhà nước, mô hình mới phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn.

Có nghĩa là các bộ chỉ chuyên tâm với việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để DN, người dân yên tâm kinh doanh. Khi tách được chức năng này sẽ không còn việc tình trạng bộ máy hành chính nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.

Thực tế, mô hình DN quản lý vốn nhà nước là phù hợp vì đã bước đầu hình thành ở VN qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo yêu cầu là tách được chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright VN, cũng cho rằng cần tách bạch quản lý vốn và quản lý nhà nước. Bởi nếu lập ủy ban quản lý vốn nhà nước hoạt động như một cơ quan nhà nước thì khó mà xóa được nhóm lợi ích bởi các bộ ngành vẫn muốn giữ DN nhà nước.

Do đó, việc tách vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi vai trò quản lý nhà nước là cần thiết.

Trước hết chỉ nên tách những DN kinh doanh thuần túy, tương đương khoảng 30-40% vốn nhà nước cũng sẽ mang lại hiệu quả.

Còn theo ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Hiến pháp 2013 đã xác lập vị trí cho kinh tế tư nhân, là được “bình đẳng, hợp pháp và cạnh tranh”.

Đây sẽ là nền tảng cho sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, khi tất cả đều được bình đẳng như nhau.

Tuy nhiên, quan trọng là cần có cơ chế để kiểm soát, quản lý tốt hơn nữa về pháp luật cạnh tranh giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.

“Có nghĩa là DN tư nhân và DN nhà nước cần được cạnh tranh sao cho đúng về mặt bản chất, trên cơ sở rạch ròi cái gì DN tư nhân được làm, được tham gia.

Tôi đề nghị cần có một điều tra tổng thể, chặt chẽ và khoa học để đánh giá, phân loại về vấn đề này, và thiết lập những lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn nào mà DN tư nhân không được phép tham gia.

Còn lại thì mở cửa hết tất cả để khối này có thể tiếp cận được nguồn vốn, thông tin, chính sách như bao thành phần kinh tế khác một cách bình đẳng” - ông Huỳnh khuyến nghị.

Sớm chấm dứt cảnh “cha chung không ai khóc”

Khối DN tư nhân mặc dù còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ và sức cạnh tranh còn yếu nhưng ngày càng đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế, khi chiếm tới hơn 40% GDP, 30% tổng giá trị công nghiệp.

Khối DN tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước.

Thế nhưng trong việc tiếp cận nguồn lực thì DN tư nhân luôn bị yếu thế, bị đối xử thiếu công bằng và gần như phải “tự bơi” trên thương trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa trong đó chủ yếu là khối tư nhân, đã thẳng thắn chỉ ra thực tế DN nhà nước được xem là những “ông lớn” nên được tiếp cận nguồn lực ưu đãi tốt hơn DN tư nhân.

Điều đặc biệt là trong khi DN tư nhân nếu rơi vào thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả thì phải tự chịu trách nhiệm, nhưng với DN nhà nước dù sử dụng vốn ngân sách nhà nước lãng phí, để thất thoát vốn nhưng vẫn không bị xử lý rõ trách nhiệm.

“Chính phủ, Thủ tướng luôn kêu gọi tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực được bình đẳng.

Tuy nhiên, việc triển khai xuống dưới rất chậm trễ và có sức ì lớn. Vẫn còn tư duy cái nào thuận lợi, "miếng nào ngon" thì DN nhà nước “xơi”, vì thế có tình trạng chậm trễ trong cổ phần hóa các DN nhà nước.

Nói là cổ phần hóa các DN nhà nước, mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là tư nhân, nhưng thực tế việc cổ phần hóa rất chậm” - ông Thân nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP cơ điện lạnh REE, cho rằng việc cần làm ngay là phải xây dựng một môi trường pháp lý sao cho công bằng, minh bạch giữa DN tư nhân và DN nhà nước.

Gắn với đó là cần phải tạo thêm cơ hội cho khối tư nhân được phát triển song hành cùng DN nhà nước, trên cơ sở quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.

“Nếu làm như vậy, khối DN tư nhân sẽ được tham gia quản trị các DN lớn đã không còn của Nhà nước.

Tôi tin chắc tình trạng đổ vỡ vì quản lý yếu kém, thua lỗ, “cha chung không ai khóc” sẽ giảm đi, thậm chí không tái diễn khi các thành phần kinh tế khác được tham gia vào DN nhà nước sau khi cổ phần hóa.

DN cổ phần sẽ hoạt động hiệu quả hơn, qua đó xã hội, người dân và cả Nhà nước được hưởng lợi khi các DN này tạo ra việc làm, có lợi nhuận, đóng góp thuế cho Nhà nước” - bà Thanh nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngọc An - Trần Vũ Nghi - Lê Thanh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.