|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, tăng trưởng top đầu khu vực

17:01 | 11/04/2018
Chia sẻ
ADB dự báo GDP Việt Nam 2018 sẽ tăng trưởng 7,1%, cao hơn từ 0,4 – 0,6 điểm phần trăm so với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa có Báo cáo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2018. Theo đó, ADB đưa ra dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm 2018, cao hơn từ 0,4 – 0,6 điểm phần trăm so với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018, là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực nhờ được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô như gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu mạnh, nông nghiệp phát triển và nhu cầu trong nước cũng tăng mạnh...

adb du bao kinh te viet nam se but pha trong nam 2018 tang truong top dau khu vuc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

"Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp", ông Eric Sidgwick nói.

Theo ADB, động lực dẫn dắt tăng trưởng là gia tăng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư đặc biệt là FDI, và ngành nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn.

Tiêu dùng cá nhân tăng sẽ được củng cố trên nền tảng thu nhập tăng và lạm phát ổn định. Triển vọng đầu tư cá nhân cũng rất sáng sủa. Doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và lạc quan, như được minh chứng qua kết quả khảo sát doanh nghiệp hồi tháng 12 năm 2017 và tháng 2 năm 2018 thông qua chỉ số quản trị mua hàng Nikkei.

Đầu tư tư nhân dự báo sẽ nhận ảnh hưởng tích cực từ việc xếp hạng của Việt Nam cải thiện 14 vị trí trong nghiên cứu Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục là 126.859 trong năm 2017, tăng 15,2% so với 2016. Chỉ tiêu của chính phủ là có thêm 135.000 doanh nghiệp được thành lập trong năm 2018.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2018 cũng đưa ra mức dự báo lạm phát trung bình năm nay là 3,7%, tăng lên so với mức 3,5% của năm ngoái và đạt 4% trong năm 2019 do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.

Ông Sidgwick đánh giá, sự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kéo giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017, từ 63,6% trong năm ngoái. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Dù vậy, tăng trưởng Việt Nam vẫn đối diện một số nguy cơ lớn, bao gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.

Vì vậy một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ và Trung Quốc) có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Do đó, ADB khuyến nghị cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của Việt Nam nhằm bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng.

Khánh Hà